Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là Phó Thủ tướng Hàn Quốc, ông Choi Sang-mok thông báo Chính phủ nước này đang xem xét gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ won (7,3 tỷ USD) để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng của đất nước.

Ông Choi, trong cuộc họp hôm thứ 10/5 với các doanh nghiệp địa phương trong chuỗi cung ứng bán dẫn của nước này, từ vật liệu, bộ phận đến nghiên cứu thiết bị chip, cho biết Chính phủ đang xem xét các chương trình tài trợ về thuế và vốn cho ngành.

Quốc gia châu Á tất tay chi 7,3 tỷ USD, quyết thống trị ngành bán dẫn toàn thế giới
Nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, Hàn Quốc

Phó Thủ tướng Choi Sang-mok cho biết, trong số các lựa chọn có thể kể đến là tài trợ chính sách từ Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc thuộc sở hữu Nhà nước hoặc nguồn quỹ tài chính công, quỹ tư nhân và chính sách.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang thúc ép các đồng minh bao gồm Hàn Quốc thắt chặt hạn chế để cô lập Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ bán dẫn. Các quan chức Mỹ cũng muốn Hàn Quốc hạn chế xuất khẩu dòng thiết bị và công nghệ sản xuất chip nhớ tân tiến sang Trung Quốc

Xuyên suốt tiến trình phát triển của công nghệ bán dẫn, Hàn Quốc là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Thông báo về gói viện trợ được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đặt mục tiêu đầu tư mạnh vào 6 công nghệ chính, trong đó bao gồm chip, màn hình và pin. Đây là những lĩnh vực mà các gã khổng lồ công nghệ của nước này đã chiếm thị phần lớn trên toàn thế giới.

Hàn Quốc là quê hương của hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới: Samsung Electronics và SK Hynix. Theo số liệu do Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố, chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Seoul và đạt 11,7 tỷ USD trong tháng 3, mức cao nhất trong gần hai năm, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Quốc gia châu Á tất tay chi 7,3 tỷ USD, quyết thống trị ngành bán dẫn toàn thế giới
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Samsung

Vào tháng 5 năm 2022, Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ trị giá gần 330 tỷ USD trong 5 năm tới nhằm đưa khu vực công nghệ cao của nước này dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng, từ chất bán dẫn đến sinh học.

Động thái này của Seoul hướng đến việc thống trị trong các ngành điện tử truyền thống và tìm kiếm cơ hội trong các ngành KHCN mới như AI khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các xung đột địa chính trị.

Hàn Quốc cũng là nước châu Á thứ 2, sau Ấn Độ (với tập đoàn Tata), công khai đề xuất các biện pháp can thiệp của Chính phủ trong cạnh tranh thương mại ngành bán dẫn bao gồm ưu đãi thuế cho đầu tư.