Tính toán lại số liệu do Cục Hải quan công bố về xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy bức tranh chênh lệch đáng kể trong hoạt động xuất khẩu giữa các địa phương. Trong số 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, TP. HCM dẫn đầu với tổng kim ngạch đạt hơn 45,2 nghìn tỷ đồng. Theo sau là Bắc Ninh với gần 40 nghìn tỷ và Hải Phòng ở vị trí thứ ba với hơn 20,7 nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng ba cái tên này đã chiếm gần 50% tổng trị giá xuất khẩu của toàn bộ các địa phương còn lại – một con số cho thấy sự tập trung cao độ về năng lực xuất khẩu.
TP.HCM dẫn đầu danh sách xuất khẩu nửa đầu năm với kim ngạch đạt 45.227 tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng trị giá xuất khẩu cả nước. TP. HCM sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu tạo nên tam giác vàng về xuất khẩu. Trong đó, TP. HCM là đầu mối tài chính – thương mại, Bình Dương có hệ sinh thái khu công nghiệp lớn bậc nhất cả nước, còn Bà Rịa – Vũng Tàu nắm giữ hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Lợi thế về hạ tầng logistics, nhân lực chất lượng cao và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế đã giúp khu vực này giữ vững vị thế đầu tàu xuất khẩu. Trong thời gian tới, với các dự án kết nối liên vùng và chuyển đổi số trong công nghiệp, TP. HCM mới được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu tích hợp tầm khu vực.
Đứng vị trí thứ hai là Bắc Ninh, đạt 39.955 tỷ đồng, chiếm hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh. Địa phương này được hợp nhất từ tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang – vốn đã là 2 địa phương điển hình về sản xuất công nghiệp. Đây là nơi đặt đại bản doanh sản xuất của các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Foxconn. Sau sáp nhập, chuỗi cung ứng nội vùng được rút ngắn, năng lực hậu cần công nghiệp được tối ưu hóa. Với nền tảng công nghiệp điện – điện tử vững chắc và vị trí gần sân bay Nội Bài, Bắc Ninh mới có tiềm năng tiếp tục dẫn đầu miền Bắc về giá trị xuất khẩu công nghệ cao.
![]() |
TP. HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng dẫn đầu về xuất khẩu nửa đầu năm (Ảnh minh họa) |
Đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm là Hải Phòng, đại diện cho sự hợp nhất của Hải Phòng và Hải Dương với 20.701 tỷ đồng, tương đương 9,4% toàn quốc. Hai tỉnh này trước sáp nhập vốn đã là trung tâm công nghiệp – cảng biển trọng điểm của vùng Đông Bắc. Việc hợp nhất giúp tích hợp sản xuất (các KCN ở Hải Dương) và hạ tầng cảng (Lạch Huyện, Cái Lân) vào một thể thống nhất. Hệ thống giao thông kết nối đường bộ – đường biển – đường sắt đồng bộ đang tạo lợi thế cạnh tranh lớn. Trong thời gian tới, Hải Phòng mới có thể trở thành đầu mối xuất khẩu – logistics chiến lược với tiềm năng mở rộng sang các thị trường.
Như vậy, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ là thay đổi địa lý, mà còn mở ra một không gian phát triển mới, nơi các nguồn lực được kết nối hiệu quả hơn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế bền vững.