CTCP VKC Holdings vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua nhiều quyết định đáng chú ý.

Theo thông báo, công ty dã thống nhất việc dừng góp vốn thành lập các công ty như kế hoạch trong đó có: Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và Nội thất Vĩnh Khánh (duyệt ngày 19/1/2022); Công ty TNHH Vĩnh Khánh Plastic (ngày 24/1/2022) và CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh Khánh (ngày 9/8/2022)

Lý do được đưa ra với quyết định này là bởi đến hết thời hạn góp vốn công ty vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện.

Bên cạnh đó, VKC holdings cũng thông qua việc dừng phương án mua lại cổ phần của CTCP Lốp xe Vĩnh Khánh đã được duyệt ngày 10/1/2022.

Lý do dẫn đến quyết định này là bởi đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần đồng thời công ty cũng không có vốn để thực hiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chốt việc giải thể các chi nhánh không còn hoạt động tại Vĩnh Long, TP. HCM, Đà Nẵng, Phú Yên.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3/2022, VKC đang có khoản tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn hơn 4,1 tỷ đồng - giảm mạnh so với mức tổng gần 110 tỷ đồng hồi đầu năm.

Đáng nói, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi bất ngờ tăng từ 29 triệu hồi đầu năm lên hơn 65 tỷ; giá trị hàng tồn kho giảm mạnh từ 160 tỷ về gần 30 tỷ đồng.

Tài chính

Với việc lỗ ròng 9 tháng gần 208 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 lãi hơn 1,2 tỷ) nên công ty đang trong tình trạng lỗ lũy kế 185 tỷ tại thời điểm 30/9/2022. Vốn chủ sở hữu của VKC Holdings cũng giảm mạnh về còn gần 36 tỷ - bằng 9% so với tổng nợ phải trả (gần 396 tỷ đồng).

Trong cơ cấu nợ của VKC, chiếm phần lớn là khoản nợ ngắn hạn gần 155 tỷ đồng và 200 tỷ trái phiếu chuyển đổi.

Tài chính
Nguồn báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của VKC

Liên quan đến lô trái phiếu VKCH2123001 (phát hành ngày 9/12/2021, cuối tháng 9/2022, VKC từng thông báo tạm hoãn thanh toán lãi cho trái chủ (đúng hạn là ngày 9/9) do chưa thu xếp được tài chính.

Trước đó, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, đơn vị kiểm toán cũng đã đưa vấn đề ngoại trừ đối với các khoản vay nợ của công ty và việc sử dụng vốn vay vào các hoạt động có liên quan đến CTCP Louis Land (Mã BII).

Được biết, tình hình khó khăn tại VKC Holdings đã duy trì qua hàng quý với ghi nhận tổng nợ phải trả luôn gấp từ 1,5 đến 2 lần vốn chủ sở hữu.

Về kết quả hoạt động, trong khi doanh thu luôn đạt nghìn tỷ/năm thì lãi ròng của công ty đã liên tục giảm mạnh từ năm 2016 trở lại đây. Kết năm 2021, công ty báo lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng; biên lãi ròng gần như không đáng kể.

Tình hình khó khăn bắt đầu diễn ra mạnh hơn ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân - cá nhân có liên quan đến CTCP Louis Land (Mã BII) bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ngay sau đó, các tổ chức tín dụng bắt đầu đánh giá rủi ro của lô trái phiếu VKCH2123001 và ngưng việc cấp tín dụng cho VKC.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VKC sau đỉnh cao hiện đã giảm về mức 1.700 đồng/cổ phiếu và đang trong diện cảnh báo trên HOSE do đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021.

Tài chính
Diễn biến giá cổ phiếu VKC

Mã cũng đồng thời bị HOSE đưa vào danh sách chứng khoán bị cắt margin.

Mới đây, UBCKNN đã có quyết định xử phạt VKC Holdings 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp soát xét 6 tháng đầu năm 2022 (thực lỗ hơn 191 tỷ đồng nhưng Công ty lại công bố lỗ 24 tỷ).

Công ty cũng đồng thời bị phạt VKC 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.