Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, năm cuối trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là năm quan trọng để đánh giá, tổng kết trong nhiệm kỳ vừa qua khẳng định nỗ lực, đóng góp của ngành Ngân hàng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Trên thế giới, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, căng thẳng chính trị leo thang, chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế với các quốc gia… đã tác động tới tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ quốc tế. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu không ít ảnh hưởng.
Thống đốc nhấn mạnh, bối cảnh thì khó khăn nhưng mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải chủ động, bứt phá đặt ra nhiều thách thức cho NHNN trong điều hành và cả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
![]() |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Tạp chí Ngân hàng |
Trước thực tế đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 theo chủ trương của Chính phủ.
Cũng luận bàn về vấn đề này, trong bài phát biểu trước đó, Thống đốc dự báo cầu vốn đầu tư trong nước thời gian tới là rất lớn. Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và đặc biệt 2030, dự kiến sẽ triển khai nhiều công trình có nguồn vốn đầu tư lớn, ví dụ như xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc (hiện đang triển khai dự án cao tốc Bắc Nam với tổng vốn đầu tư lớn), đầu tư xây dựng nhiều sân bay, bến cảng, quy hoạch điện VIII...
Chính vì vậy, Thống đốc khuyến nghị, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành chức năng cần tính toán huy động vốn từ đâu, khả năng vay và trả nợ như thế nào, thời gian phân kỳ vốn, dự phòng nguồn vốn ra sao... để đảm bảo dự án khởi công thì thu xếp được vốn và không bị động, triển khai các dự án được nhưng không tạo áp lực lớn đến rủi ro vĩ mô và đạt được tăng tăng trưởng cao, bền vững theo đúng tinh thần các nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quốc hội.
Về phía ngành ngân hàng, để đạt mục tiêu GDP trên 8% năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra năm nay là khoảng 16%. Theo Thống đốc, chỉ tiêu này sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Thống đốc cũng lưu ý rằng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang dựa rất lớn vào vốn nhưng hiệu quả chưa cao, phản ánh qua chỉ số ICOR của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hơn nữa, theo Thống đốc, chúng ta thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều, đặc biệt là thu hút vốn FDI, nhưng chưa tận dụng được nhiều lợi thế về nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và chưa có sự kết nối của khu vực này với khu vực trong nước.
Do đó, Thống đốc cho rằng, cần có sự thay đổi và phải làm mới trong chiến lược thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới theo hướng chuyển giao vốn, công nghệ, quản trị và gắn với nền kinh tế trong nước nhiều hơn.