Chiều 8/7, phát biểu khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, ông Trần Lưu Quang Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương khẳng định khát vọng phát triển mạnh mẽ của đất nước chỉ có thể đạt được khi huy động được sự tham gia, đóng góp từ tất cả các cơ quan, ban ngành và địa phương trên cả nước. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hai cột mốc phát triển vào năm 2030 và 2045 – những mục tiêu trăm năm đã được xác định nhằm hướng đến một nền kinh tế bền vững, ổn định, trong đó chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.

Đặc biệt, ông cho biết trong quá trình soạn thảo đề án với chủ đề: "Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" để trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương sẽ áp dụng một cách tiếp cận ngược nhằm đảm bảo lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần của nền kinh tế.

Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng khẳng định, Ban hoàn toàn có thể tự xây dựng đề án, trình lên cấp có thẩm quyền và ban hành các kết luận, chỉ thị như quy trình thông thường. Tuy nhiên, cách làm này có nguy cơ không phản ánh đầy đủ nhu cầu và kỳ vọng của toàn xã hội. Chính vì vậy, Ban lựa chọn cách tiếp cận ngược – bắt đầu từ việc lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia. Những ý tưởng sáng tạo từ thực tiễn sẽ được sàng lọc, sau đó chuyển hóa thành chính sách, chủ trương phù hợp với định hướng phát triển đất nước. Các góp ý thu nhận được từ Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 chính là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc hoàn thiện đề án chiến lược này.

Tại Diễn đàn, nhiều đại diện doanh nghiệp đưa ra kiến nghị cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh: “Để các doanh nghiệp vươn ra các thị trường lớn như Mỹ, điều kiện tiên quyết là phải gia nhập được chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như môi trường kinh doanh phải thật sự thông thoáng, minh bạch và hiệu quả.”

Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương: Mọi thành phần trong nền kinh tế có thể đóng góp vào đề án tăng trưởng hai con số
Đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cũng như đại diện các hiệp hội kinh tế đề xuất các giải pháp tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025. Ảnh: Việt Dũng

Từ góc độ ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhấn mạnh vai trò của chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ và chuyển đổi xanh. Ông đề xuất Chính phủ có thêm các gói hỗ trợ cụ thể nhằm tăng năng suất, giảm phát thải, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản pháp lý, hiện còn nhiều điểm chồng chéo, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bà cũng kiến nghị cần tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ” giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, đặc biệt trong những giai đoạn đầy biến động như hiện nay.

Còn theo ông Đặng Hồng Quang, Trưởng Đại diện VinaCapital tại Hà Nội, vấn đề then chốt của doanh nghiệp nhỏ và vừa là tiếp cận vốn. Ông đề xuất thành lập một hệ thống quốc gia về thông tin tín dụng chuyên biệt dành cho nhóm doanh nghiệp này, giúp họ nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động.