Mùa thu hoạch xoài năm 2025 tại khu vực Đông Bắc Thái Lan – thủ phủ của cây xoài Nam Dok Mai – đang chứng kiến mức giá thấp chưa từng có. Tại các chợ đầu mối, giá bán buôn chỉ dao động từ 5 đến 10 baht/kg (tương đương 3.800–7.500 đồng). Với mức giá này, người trồng chỉ thu về khoảng 2.000–5.000 đồng/kg, không đủ trang trải chi phí chăm sóc, thu hái và vận chuyển.

“Nhiều gia đình bỏ mặc vườn xoài, không thu hái. Có nơi, người dân gom xoài chín đổ ven đường vì không ai mua”, tờ Khaosod English dẫn lời một nông dân ở Ubon Ratchathani.

Nguyên nhân sâu xa đến từ chính sự phát triển ồ ạt của diện tích trồng xoài. Tại vùng Đông Bắc – nơi có điều kiện khí hậu khô hạn giống với Tây Bắc Việt Nam – xoài trở thành lựa chọn thay thế cây ngô và mía trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, trong khi sản lượng tăng nhờ thời tiết thuận lợi và cây xoài dễ thích nghi, nhu cầu trong nước lại không tăng tương xứng. Việc tiêu thụ giảm do chi tiêu thắt chặt và lượng khách du lịch – nhóm khách hàng lớn của các món tráng miệng từ xoài như xôi xoài – chưa phục hồi như trước dịch.

Không chỉ bị dội chợ, xoài Thái còn gặp vấn đề nghiêm trọng trong khâu logistics. Nhiều lô hàng không thể tiêu thụ kịp khiến trái chín ngay trên cây hoặc ngay khi đang vận chuyển. Việc không có kho lạnh, chi phí bảo quản cao càng khiến nông dân dễ tổn thương trước biến động thị trường.

Từng là đặc sản nức tiếng của Thái Lan loại quả này giờ ế hàng dội chợ, giá rẻ hơn rau
Xoài Thái Lan đang rớt giá mạnh. Ảnh minh hoạ

Xoài Nam Dok Mai – vốn nổi tiếng với khả năng ăn từ khi xanh đến khi chín – cũng không thoát khỏi cảnh bị bỏ rơi. “Chúng tôi đã bán xoài xanh suốt mùa, giờ xoài chín lại không ai mua,” một tiểu thương ở chợ trung tâm Khon Kaen than thở.

Để ứng phó tình trạng dư cung, chính phủ Thái Lan đã khởi động Kế hoạch quốc gia giải cứu trái cây mùa vụ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp phối hợp Bộ Thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích chế biến sâu và ứng dụng thương mại điện tử. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ: sản xuất vượt xa tiêu dùng, trong khi nông dân không được hỗ trợ về đầu ra, bảo quản và phân phối hiệu quả.

Tình trạng “được mùa mất giá” không còn xa lạ tại Việt Nam, từ dưa hấu, thanh long đến xoài. Những vùng như Sơn La, Lai Châu đang mở rộng diện tích trồng xoài theo định hướng xuất khẩu, và nếu không có kế hoạch tiêu thụ phù hợp, viễn cảnh “xoài rớt giá đổ đường” hoàn toàn có thể xảy ra.

Chuyên gia khuyến cáo nông dân cần tính toán kỹ nhu cầu thị trường, đa dạng hóa kênh bán hàng, đồng thời đầu tư vào chế biến, bảo quản và thương hiệu thay vì chạy theo diện tích thuần túy.