VN-Index tăng 330 điểm, tiền lớn đang ở đâu?
Diễn biến chỉ số VN-Index

VN-Index đã có chuỗi phục hồi ấn tượng sau cú sốc thuế quan hồi đầu tháng 4/2025, vượt mốc 1.400 điểm và xác lập vùng giá cao nhất trong hơn 3 năm. So với đáy 1.094 điểm hồi tháng 4, chỉ số đã tăng gần 330 điểm, tương đương 30,1%. Thanh khoản duy trì sôi động, đặc biệt có sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại, với bốn phiên gần nhất ghi nhận giá trị mua ròng đều vượt nghìn tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng hơn 7.000 tỷ đồng – tín hiệu cho thấy dòng vốn đang đảo chiều tích cực sau giai đoạn bán ròng kéo dài. Giới phân tích cho rằng, dòng vốn ngoại thường có xu hướng đi trước lộ trình nâng hạng khoảng 4–5 tháng. Với triển vọng được FTSE nâng hạng vào cuối năm 2025, thị trường Việt Nam có thể đón dòng tiền mới lên tới 7 tỷ USD.

Vốn hóa sàn HoSE hiện đạt mức kỷ lục 6,087 triệu tỷ đồng – dù VN-Index vẫn thấp hơn đỉnh lịch sử khoảng 100 điểm.

HPG là cổ phiếu hiếm hoi giao dịch đồng pha với VN-Index khi tiệm cận mức đỉnh 24.800 đồng – tương ứng vùng đỉnh lịch sử của chỉ số, dù chưa phải mức giá cao nhất của mã VN30 này.

Tính từ đầu năm, vốn hóa sàn HoSE đã tăng thêm gần 880.000 tỷ đồng (34 tỷ USD). Sự gia tăng này có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu Vingroup cũng như một số cái tên mới chuyển sàn như Vinpearl (VPL), Gelex Electric (GEE), DNSE (DSE), Nam Á Bank (NAB)…

Tuy vậy, thị trường cũng bộc lộ rõ nét sự phân hóa. Trong khi một số mã ngân hàng như TCB, STB, MBB, CTG… đã vượt đỉnh lịch sử, nhiều bluechip như VNM, GAS, SAB, VJC vẫn còn cách xa mức giá tại thời điểm VN-Index lập đỉnh 1.524 điểm hơn 3 năm về trước. Điều này cho thấy VN-Index phục hồi mạnh nhưng chưa có sóng lan tỏa đều, phản ánh thị trường vẫn thiếu động lực tăng trưởng rộng khắp.

Hiện tại, VN-Index tiến sát vùng 1.430 điểm – mốc cao nhất kể từ tháng 4/2022, cũng là vùng trước khi thị trường lao dốc về 873 điểm trong vòng 7 tháng sau đó. Trong bối cảnh bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng, chờ đợi các nhịp điều chỉnh để lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt thay vì chạy theo đà hưng phấn ngắn hạn.