Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023. Cuộc họp của VPBank năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 18/4/2023 tại khách sạn Lotte, số 54 Liễn Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tại Đại hội, VPBank sẽ trình cổ đông thông qua các báo cáo về hoạt động của ngân hàng trong năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023; phương án phân phối lợi nhuận và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ;...

Theo tài liệu, trong năm 2023, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 39%, đạt hơn 877 nghìn tỷ; tiền gửi tăng 41%, đạt hơn 518 nghìn tỷ; dư nợ cho vay tăng 33%, đạt mức gần 636 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022.

Trong năm 2023, VPBank cũng lên kế hoạch sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Tổng số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt được ngân hàng công bố là gần 8 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả là trong quý 2-3/2023.

Bên cạnh đó, VPBank cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP). Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành và bán 30,2 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý 2 đến quý 3/2023.

Ngoài cổ phiếu ESOP, VPBank cũng sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2023 thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành gần 1,19 tỷ cổ phiếu cho Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng vốn điều lệ và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà băng này lên mức tối đa 30%.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chiến lược cũng được VPBank công bố là ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMBC). Giá bán dự kiến VPBank đưa ra là 30.159 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên hơn 79.339 tỷ đồng.

Hôm 27/3 vừa qua, VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC. Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng này. Khoản đầu tư sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.