Sáng 23/5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình trạng hàng hóa giả mạo, kém chất lượng đang tràn lan trên các sàn TMĐT như Shopee, Tiktok Shop, khiến không ít doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại nghiêm trọng.
“Doanh nghiệp đầu tư chất lượng, xây dựng thương hiệu thì bị làm giả trắng trợn. Người tiêu dùng thì mất niềm tin. Môi trường kinh doanh số thì bị xói mòn nền tảng minh bạch”, ông nhấn mạnh.
Vị đại biểu phân tích, TMĐT đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng, trực tiếp mà không cần tốn chi phí mặt bằng, nhân lực. Với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, TMĐT đáng lẽ là bệ phóng cho sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. Nhưng thay vào đó, nó đang bị một bộ phận gian thương biến thành “chợ đen online” với vô vàn hàng giả đội lốt khuyến mãi.
Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng ấn tượng, TMĐT hiện đang trở thành "địa bàn" cho hàng giả, hàng nhái tung hoành. Theo Đại biểu Trần Quốc Tuấn, tình trạng vi phạm vẫn ở mức cao một cách báo động, khi hàng loạt thương hiệu Việt bị đánh cắp trắng trợn ngay trên các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiktok Shop.
“Doanh nghiệp kêu cứu vì bị làm giả từ bao bì đến nhãn hiệu, giá bán thì bị phá thị trường bằng hàng nhái rẻ mạt. Nhiều nơi còn lợi dụng các chương trình khuyến mãi, flash sale để tuồn hàng kém chất lượng đi khắp cả nước,” ông Tuấn phản ánh.
Không chỉ hàng giả nội địa, nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ không rõ xuất xứ cũng ồ ạt đổ bộ lên các nền tảng bán hàng online, tạo nên một hệ sinh thái đánh lừa người tiêu dùng bằng mẫu mã bắt mắt nhưng chất lượng thì đầy rủi ro. Vấn đề không chỉ nằm ở người bán, mà còn cho thấy lỗ hổng lớn trong khâu giám sát, xử lý vi phạm của các sàn TMĐT, khi nhiều gian hàng sau khi bị tố cáo vẫn dễ dàng xuất hiện trở lại chỉ sau vài cú click đổi tên, đổi avatar.
![]() |
Tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Đề xuất 'khóa van hàng giả' chỉ trong 24 giờ
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2024 vừa qua lượng khách hàng mua trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống giảm hơn 30% tại các đô thị lớn. Các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa nhỏ dần mất khách vì không có chương trình khuyến mãi linh hoạt như TMĐT. Tình trạng ế ẩm tại các chợ truyền thống xảy ra ở các chợ lớn như An Đông, Tân Bình (TP HCM).
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cảnh báo, khi người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái nhưng không được bảo vệ quyền lợi đến nơi đến chốn, niềm tin vào TMĐT sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Tâm lý cảnh giác, dè dặt ngày càng phổ biến, khiến kênh mua sắm này đánh mất lợi thế vốn có: tiện lợi, nhanh chóng và tiếp cận rộng rãi.
“Nếu không siết chặt khâu kiểm soát, môi trường TMĐT sẽ dần đánh mất tính minh bạch và bền vững, kéo theo hệ lụy là sự suy yếu của toàn bộ ngành sản xuất nội địa”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, đại biểu đoàn Trà Vinh kiến nghị Chính phủ ban hành những quy định mạnh tay và cụ thể hơn. Trong đó, cần bắt buộc các sàn TMĐT xác thực danh tính người bán bằng mã số thuế và căn cước công dân, nhằm minh bạch hóa thông tin đầu vào.
Ông Tuấn cũng đề xuất quy định trách nhiệm liên đới của sàn TMĐT nếu để hàng giả tồn tại quá 24 giờ sau khi có cảnh báo từ người tiêu dùng hoặc cơ quan chức năng. “Không thể có chuyện cảnh báo đã lên nhưng hàng giả vẫn ung dung tồn tại trên kệ số,” ông nói.
Đồng thời, để chấm dứt hiện tượng thay tên, đổi áo nhưng bản chất vẫn là một, các sàn TMĐT cố tình dung túng hoặc lơ là quản lý với các gian hàng từng vi phạm cần bị xử phạt nặng, tránh để tình trạng “phạt cho tồn tại” tiếp diễn.
Đáng chú ý, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ triển khai thí điểm cơ chế kiểm soát hàng giả trực tuyến tại 3 ngành hàng có nguy cơ cao nhất: mỹ phẩm, thời trang và thực phẩm chức năng - vốn là điểm nóng về hàng nhái trên các nền tảng như Tiki, Shopee và Tiktok Shop.
Việc thí điểm này sẽ được triển khai trong năm 2025, sau đó tổng kết, đánh giá và nhân rộng toàn quốc từ năm 2026 trở đi.
“Chúng ta không thể mãi chạy theo xử lý hậu quả. Đã đến lúc thiết lập hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ để TMĐT không còn là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả phát triển,” đại biểu nhấn mạnh.