Tại Hội thảo "Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam" ngày 8/7, theo ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Bộ KH&CN), một trong những hình thức hàng giả phổ biến nhất là giả thương hiệu. Đây là thủ đoạn sử dụng logo, bao bì, thiết kế nhãn mác y hệt sản phẩm chính hãng nhằm đánh lừa người mua.
Trong năm 2024, đã xử lý 34.000 vụ. Điển hình là các vụ thuốc giả tại TP.HCM, sữa giả ở Hà Nội, mỹ phẩm giả ở Nghệ An. Những sản phẩm nhái tinh vi đến mức nếu không có công cụ xác thực, ngay cả người bán cũng khó phân biệt thật, giả.
“Chỉ cần một con tem, một logo, hàng giả đã có thể dễ dàng trà trộn vào hệ thống bán lẻ. Điều nguy hiểm là nhiều sản phẩm như dược phẩm, thực phẩm chức năng khi bị làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Chính cảnh báo.
![]() |
Ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia. Ảnh: Thái Khang. |
Nếu như giả thương hiệu đánh vào thị giác, thì giả chất lượng lại là chiêu đánh vào tâm lý chuộng hàng rẻ, ham khuyến mãi. Đây là những sản phẩm tuy có vẻ ngoài ổn, nhưng nguyên vật liệu, thành phần bên trong bị thay thế bằng hàng kém chất lượng, thậm chí gây độc hại.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên đến 6.500 tỷ đồng.
Một trong những thủ đoạn tinh vi nhất hiện nay là giả xuất xứ. Các sản phẩm được nhập lậu, hoặc sản xuất không đảm bảo, sau đó được gắn mác “Made in Vietnam” để hợp pháp hóa xuất khẩu hoặc bán trong nước như hàng nội địa cao cấp. Hệ quả không chỉ làm người tiêu dùng trong nước thiệt hại, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
“Giả xuất xứ là chiêu trò cực kỳ nguy hiểm vì nó không chỉ gian lận thương mại mà còn gây tổn hại lâu dài đến thương hiệu quốc gia”, ông Bùi Bá Chính phân tích.
Doanh nghiệp khát nền tảng xác thực quốc gia
Để chặn đứng 3 chiêu trò trên, các chuyên gia cho rằng truy xuất nguồn gốc là công cụ tối ưu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển bùng nổ.
“Tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc không chỉ phục vụ quản lý mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và quốc tế”, Đại tá Phạm Minh Tiến, Trung tâm dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an nhận định.
Ông Tiến cho biết, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đang thúc đẩy xây dựng các nền tảng truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ blockchain, đảm bảo minh bạch, không thể sửa đổi, đồng thời liên thông với dữ liệu quốc gia, phục vụ công tác điều hành, thanh tra và truy vết sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các giải pháp truy xuất phần lớn vẫn mang tính tự phát, mỗi doanh nghiệp tự triển khai một kiểu, dẫn đến tình trạng "mạnh ai nấy làm", không đồng bộ, tốn kém và thiếu tính xác thực.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ ECO Pharma, chia sẻ: “Chúng tôi đã dùng mã QR để giúp người tiêu dùng truy xuất sản phẩm. Nhưng hàng giả như ma trận, chúng có thể sao chép, chỉnh sửa mã… Rất cần một hệ thống xác thực quốc gia để doanh nghiệp yên tâm triển khai".
Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, nhấn mạnh, trong thời kỳ chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc là yếu tố bắt buộc để kiểm soát hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Chúng ta cần một cơ chế thống nhất từ Trung ương tới địa phương, một bộ tiêu chuẩn quốc gia được cơ quan chức năng xác thực, để truy xuất trở thành nền tảng quốc gia, không chỉ là công cụ riêng lẻ của từng doanh nghiệp”, ông Huy nói.