Theo thống kê mới nhất từ Statista (một trong những công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới), Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội từ 2021-2026. Trong danh sách 10 quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội TikTok nhiều nhất trên thế giới, Việt Nam được ghi nhận ở vị trí thứ 6 với gần 50 triệu người dùng (tương đương 64% người dùng internet ở Việt Nam).

Việc kinh doanh trên nền tảng Tiktok ngày càng phổ biến, nhiều tài khoản sở hữu doanh thu khủng nhờ bán hàng trên nền tảng này. Vậy cá nhân kinh doanh trên Tiktok có phải nộp thuế và nếu cố tình không đóng thuế sẽ bị phạt bao nhiêu?

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật Tinh Thông Luật, người bán hàng trên TikTok là cá nhân phải đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên trong năm (theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC).

Hiện nay, TikTok đã đăng kí thuế tại Việt Nam, theo đó, nếu người bán đã đăng kí thuế tại Việt Nam thì cung cấp cho TikTok mã số thuế và TikTok sẽ không thu các khoản thuế phát sinh từ các giao dịch của người bán tại Việt Nam sau khi mã số thuế của người bán được xác minh.

Người bán có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế GTGT và thuế TNCN phát sinh từ các giao dịch mua của người bán.

Nếu người bán là doanh nghiệp chưa đăng kí thuế tại Việt Nam/mã số thuế do người bán cung cấp chưa được xác minh, TikTok sẽ thu 5% thuế GTGT và 5% thuế TNDN từ người bán và nộp lại cho Tổng cục Thuế Việt Nam.

Số thuế người bán hàng online là cá nhân đã đăng kí thuế tại Việt Nam phải đóng được xác định theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Cụ thể, Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỉ lệ thuế GTGT. Thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỉ lệ thuế TNCN.

Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.

Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.

Bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa có tỉ lệ thuế GTGT là 1%; tỉ lệ thuế TNCN là 0,5%.

“Nếu thuộc trường hợp phải đóng thuế mà cố tình trây ỳ không đóng, người bán hàng trên TikTok có thể bị xử phạt theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với số tiền từ 2-25 triệu đồng.

Ngoài ra cá nhân vi phạm còn bị buộc nộp đủ số tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.

Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với 2 hành vi: không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp”, Luật sư Bình cho biết.