Phiên giao dịch sáng 23/5, cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam, hiện niêm yết trên HoSE, tiếp tục tăng trần lên 6.750 đồng/cp. Tính từ mức đáy 2.320 đồng/cp thiết lập ngày 9/4, VNE đã tăng 191% chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Thanh khoản có phiên đạt tới 1,9 triệu đơn vị, tương đương 2,3% cổ phần được sang tay.

Đà tăng "bất thường" của VNE diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp đang chìm trong thua lỗ. Báo cáo tài chính tự lập quý I/2025 cho thấy VNE ghi nhận doanh thu 66 tỷ đồng từ hợp đồng xây dựng và bán hàng; lãi gộp đạt 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay lên tới 30 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức hơn 9 tỷ đồng. Sau khi trừ thêm các chi phí khác, VNE báo lỗ sau thuế 23 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp thua lỗ.

Chìm trong thua lỗ, một cổ phiếu vẫn tăng gần 200% trong chưa đầy 2 tháng
Nguồn: Tổng hợp

Cổ phiếu "suýt" bị hủy niêm yết

Tiền thân của VNE là sự hợp nhất giữa Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 3 với Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 5 vào năm 1988. Hiện tại, doanh nghiệp tập trung vào bốn lĩnh vực kinh doanh chính: xây lắp điện, sản xuất công nghiệp, bất động sản du lịch và đầu tư dự án nguồn điện.

Hiện nay, cổ phiếu VNE đang nằm trong diện chứng khoán bị cảnh báo do hoạt động kinh doanh thua lỗ. Doanh nghiệp từng bị nhắc nhở về nguy cơ hủy niêm yết nếu không nộp đúng hạn báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, tuy nhiên sau đó đã chấp hành đúng quy định.

Tại thời điểm ngày 31/12/2024, VNE ghi nhận lỗ lũy kế 129 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm còn 732 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả lên tới 2.449 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần vốn chủ, chủ yếu là nợ vay với giá trị 1.575 tỷ đồng.

Tổng tài sản đạt 3.181 tỷ đồng, nhưng lượng tiền mặt chỉ còn 28 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm ngoài doanh nghiệp, với 1.012 tỷ đồng là khoản phải thu khách hàng.

Tuy nhiên, các khoản phải thu này đang gặp nhiều vấn đề. Kiểm toán cho biết các công nợ phải thu chưa được đối chiếu, xác nhận với số tiền 258 tỷ đồng. Tương tự, số dư công nợ phải trả cũng chưa được đối chiếu, xác nhận là 361 tỷ đồng. Công ty chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác minh tính hiện hữu của các khoản công nợ này. Đồng thời, kiểm toán cũng không thể xác định liệu các khoản dự phòng cần trích lập theo quy định có được phản ánh đầy đủ và phù hợp trong báo cáo tài chính hay không.