Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2025/NĐ-CP, ba ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân HDBank, MBBank và VPBank đã được phép nâng trần sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 49%. Đây là ba tổ chức tham gia phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước, qua đó hưởng cơ chế đặc thù về hạn mức tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên trong nhóm này, Vietcombank là ngân hàng quốc doanh duy nhất không thuộc diện được nới room. Theo Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Ratings), “FOL cao hơn sẽ tăng khả năng huy động vốn mới cho các ngân hàng trên, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ”.

Tăng trưởng tín dụng mạnh, nhu cầu vốn cấp bách

Dữ liệu từ VIS Ratings cho thấy trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt 27%, MBBank là 24% và VPBank xấp xỉ 20%, đều vượt xa mức trung bình ngành khoảng 14%. Đây là thành quả trực tiếp từ việc được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao hơn nhờ tham gia tái cơ cấu hệ thống.

Nâng trần sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49%: Ngân hàng Việt đón ‘làn sóng tỷ USD’ từ quốc tế?
Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới tạo dư địa tăng vốn cho HDB, MBB và VPB. Nguồn: Dữ liệu ngân hàng, VIS Ratings.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này cũng tạo áp lực đáng kể lên hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. Theo ước tính của VIS Ratings, nếu không bổ sung vốn trong vòng hai năm tới, CAR của ba ngân hàng trên có thể giảm từ 150 đến 300 điểm cơ bản so với hiện tại. Hiện tại, CAR của HDBank là 13,1%, MBBank là 12,5% và VPBank chỉ còn 11,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 16,1% của Vietcombank – đơn vị không được nới room FOL nhưng có kế hoạch chào bán thêm 6,5% cổ phần cho Mizuho trong năm 2025–2026. VIS Ratings nhận định rằng, nếu thương vụ này thành công, CAR của VCB có thể tăng hơn 200 điểm cơ bản.

Nâng trần sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49%: Ngân hàng Việt đón ‘làn sóng tỷ USD’ từ quốc tế?
Tín dụng tăng tốc, CAR thu hẹp – HDB, MBB và VPB cần vốn mới để duy trì đà tăng trưởng. Nguồn: Dữ liệu ngân hàng, VIS Ratings.

Hiệu ứng lan tỏa từ dòng vốn chiến lược

Dòng vốn từ nhà đầu tư chiến lược không chỉ giúp củng cố tỷ lệ an toàn vốn mà còn mang lại hiệu ứng dài hạn về quản trị, năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Theo VIS Ratings, “sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro của các ngân hàng thông qua việc bơm vốn mới và hỗ trợ chiến lược tăng trưởng kinh doanh, quản trị rủi ro cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế”.

Trường hợp của VPBank là minh chứng điển hình. Sau hai năm đàm phán, ngân hàng này đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào năm 2023. Ngay sau đó, CAR của VPBank tăng thêm 2 điểm phần trăm. Đặc biệt, trong năm 2024, dư nợ cho vay doanh nghiệp có vốn FDI của VPBank đã tăng gấp ba, đạt 3.700 tỷ đồng. Đến tháng 5/2025, VPBank tiếp tục huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD, do SMBC và một nhóm ngân hàng quốc tế thu xếp, dành cho các chương trình tài chính bền vững.

Nâng trần sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49%: Ngân hàng Việt đón ‘làn sóng tỷ USD’ từ quốc tế?
Vốn chiến lược từ khối ngoại giúp CAR ngân hàng tăng mạnh từ 2–4 điểm phần trăm. Nguồn: Dữ liệu ngân hàng, VIS Ratings.

Không chỉ VPBank, các ngân hàng khác như TPBank, VietinBank hay OCB cũng đã chứng kiến CAR cải thiện đáng kể sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo dữ liệu từ VIS Ratings, TPBank ghi nhận mức tăng CAR 2% sau thương vụ với SBI Holdings, VietinBank tăng 3% nhờ MUFG Bank và Vietcombank tăng tới 4% sau khi hợp tác với Mizuho.

Không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng đón vốn ngoại

Dù cơ chế đã rõ ràng, nhưng thực tế cho thấy không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng để thu hút dòng vốn chiến lược. MBBank đến nay chưa công bố kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. Theo VIS Ratings, ngân hàng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục dựa vào lợi nhuận giữ lại và phát hành trái phiếu cấp 2 để bổ sung vốn trong ngắn hạn, dù cách tiếp cận này có thể không mang lại cú hích về cấu trúc vốn như vốn chiến lược.

Thực tế, quá trình tiếp cận và ký kết với nhà đầu tư ngoại không hề đơn giản. VIS Ratings lưu ý rằng, “quá trình lựa chọn và đạt được thỏa thuận chính thức với nhà đầu tư nước ngoài thường kéo dài nhiều năm” do liên quan đến kiểm toán quốc tế, tiêu chuẩn kế toán IFRS, cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số và khung pháp lý về M&A và sở hữu chéo.

Chính vì vậy, ngoài việc được mở room, các ngân hàng còn cần thể hiện cam kết cải cách toàn diện, từ nâng cấp quản trị nội bộ đến minh bạch hóa tài chính. Cùng với đó, vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo lập môi trường pháp lý ổn định, công khai và công bằng là yếu tố then chốt để dòng vốn ngoại không chỉ đến mà còn ở lại lâu dài.

Theo nhận định của VIS Ratings, cơ hội thu hút vốn chiến lược là hiện hữu, nhưng “sự thành công phụ thuộc vào năng lực hiện thực hóa của từng ngân hàng”. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang cạnh tranh khốc liệt về dòng vốn, chỉ những ngân hàng Việt Nam thật sự minh bạch, vững vàng và quyết liệt đổi mới mới có thể chuyển hóa chính sách FOL 49% thành dòng vốn tỷ USD thực thụ.