Vinaconex (VCG): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 26.000 đồng/cp

Theo Mirae Asset, Vinaconex (VCG) là một trong những cổ phiếu đầu ngành xây dựng và đang hưởng lợi từ 2 động lực lớn: Làn sóng giải ngân đầu tư công và nguồn thu ổn định từ mảng bất động sản.

Ở mảng xây dựng, từ đầu năm 2025 đến nay, VCG đã ký 3 hợp đồng lớn với tổng giá trị khoảng 26.819 tỷ đồng, bao gồm: 1) Thủy điện tích năng Bác Ái (gói 02XL-BA), trị giá 4.334 tỷ đồng; 2) Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (đoạn Nam Định – Thái Bình), trị giá 19.785 tỷ đồng; 3) Mở rộng cao tốc La Sơn – Hòa Liên (gói XL01), trị giá 2.700 tỷ đồng.

Ở mảng bất động sản, Mirae Assets đánh giá, 2 dự án bất động sản lớn gồm Trung tâm thương mại Chợ Mơ và Green Diamond sẽ đóng vai trò dẫn dắt lợi nhuận năm nay. Đặc biệt, dự án Chợ Mơ đã hoàn tất xây dựng và đang được triển khai bán hàng. Mirae Asset kỳ vọng mảng bất động sản có thể chiếm trên 50% tổng lợi nhuận gộp năm 2025.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 11/7: VCG, MSN, VTP
Mirae Asset dự phóng các chỉ tiêu tài chính của Vinaconex trong năm 2025

Tổng doanh thu cả năm của Vinaconex được dự báo đạt gần 14.600 tỷ đồng, tăng 13%, với lợi nhuận ròng vào khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với năm trước. Trong năm 2026, công ty chứng khoán kỳ vọng dự án Cát Bà Amatina sẽ sớm được chuyển nhượng một phần dự án, nếu thành công sẽ ghi nhận một khoảng lớn doanh thu cho VCG.

Mirae Asset đánh giá cổ phiếu VCG hiện được định giá ở mức P/E dự phóng 10,3 lần – tương đối hấp dẫn với một doanh nghiệp đầu ngành đang vào chu kỳ bứt tốc mới.

Masan (MSN): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 100.000 đồng/cp

Trong 5 tháng đầu năm 2025, bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng tăng 9,8% so với cùng kỳ nhờ mùa cao điểm tết và các dịp lễ lớn, lạm phát duy trì ở mức thấp quanh mức 3% và Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chậm lại trong thời gian tới, đặc biệt là ở các mặt hàng không thiết yếu. KBSV kỳ vọng MSN sẽ là một sự lựa chọn phòng thủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhờ việc sở hữu hệ thống bán lẻ trực tiếp Wincommerce (WCM), cùng với tính thiết yếu và đa dạng phân khúc sản phẩm của MCH cho phép doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh danh mục.

Cụ thể, doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung hơn vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhanh gọn và kết hợp các chương trình khuyến mãi với hội viên trung thành của Wincommerce nhằm đưa ra những sự lựa chọn “đáng túi tiền”.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 11/7: VCG, MSN, VTP
KBSV dự phóng các chỉ tiêu tài chính của Masan trong năm 2025

Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng trong nước thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt các vụ phanh phui vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng bao gồm thịt lợn, sữa, thực phẩm chức năng…KBSV cho rằng điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng sang hướng chọn lọc và chi tiêu cẩn trọng hơn, đặc biệt là qua các kênh hiện đại và sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng hơn. Theo đó, các cửa hàng hiện đại có tên tuổi như Winmart, Bách Hóa Xanh, AeonMaxvalue... sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu thế này.

Viettel Post (VTP): Khuyến nghị theo dõi, giá mục tiêu 122.600 đồng/cp

Theo Chứng khoán DSC, Viettel Post (VTP) đang chuyển đổi từ công ty chuyển phát sang doanh nghiệp logistics công nghệ, theo chiến lược trung và dài hạn đến năm 2029 với mục tiêu làm chủ công nghệ và xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới.

Trong năm 2025, dự án Công viên Logistics Lạng Sơn dự kiến đóng góp 4% vào lãi sau thuế và sẽ tăng mạnh giai đoạn 2027–2029. Kết hợp với cửa khẩu thông minh, dự án sẽ hình thành chuỗi cung ứng khép kín, giúp rút ngắn 40% thời gian thông quan, nâng hiệu suất kho bãi 30% và giảm 25% chi phí quản lý kho.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 11/7: VCG, MSN, VTP
DSC dự phóng kết quả kinh doanh của Viettel Post giai đoạn 2025-2026

Bên cạnh đó, triển vọng ngành thương mại điện tử tích cực đi cùng với cơ sở hạ tầng logistics phát triển sẽ là động lực tăng trưởng về dài hạn cho những doanh nghiệp e-logistics như VTP. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu đạt 20% thị phần chuyển phát tại Việt Nam, tiến gần đến vị trị dẫn đầu ngành. DSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận VTP năm 2025-2026 ở mức cao lần lượt là 11% và 13% nhờ:

- Mảng kinh doanh mới - công viên logistics bắt đầu tạo ra doanh thu và lợi nhuận từ năm 2025.

- Mảng bán hàng dự kiến được VTP thu hẹp tối đa từ năm 2025 giúp cải thiện biên lợi nhuận. DSC dự kiến đến năm 2031 VTP sẽ thoái vốn hoàn toàn mảng này và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi (Chuyển phát và logistics cũng như mảng công viên logistics).

- Mảng dịch vụ chuyển phát của VTP được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định 10,1%/năm, nhờ hưởng lợi từ đà phát triển mạnh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, dự kiến đạt CAGR 15% trong 5 năm tới.

- Mảng dịch vụ logistics được kỳ vọng tăng trưởng 15-20% thời gian tới (theo Bộ Công thương tăng trưởng hàng hóa vận chuyển, vận tải đường bộ là 14,7% trong 2024-2025).

DSC cũng lưu ý rằng VTP đang có kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu nhằm phục vụ tham vọng tham gia vào hạ tầng logistic quốc gia. Ở giai đoạn này, công ty đang chờ phê duyệt từ Bộ Quốc phòng. DSC chưa đưa kế hoạch này vào mô hình dự báo của mình khi chưa có thông tin chi tiết.