Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc đầu tư nền tảng, từ hạ tầng giao thông đến hệ sinh thái năng lượng. Theo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện trong 10 năm tới ước tính lên tới 266 tỷ USD. Cùng lúc, hàng loạt dự án trọng điểm như mở rộng cao tốc TP. HCM – Long Thành (hơn 16.000 tỷ đồng) hay tuyến metro Bình Dương – Suối Tiên (56.000 tỷ đồng) đang chờ dòng vốn lớn…

Trước yêu cầu cấp thiết, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao NHNN xây dựng cơ chế triển khai gói tín dụng với lãi suất thấp. Ngay sau chỉ đạo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết, có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.

HDBank tiên phong giải ngân 20.000 tỷ đồng

Trong hệ thống, HDBank là ngân hàng chủ động bơm vốn ra thị trường. HDBank đã tung gói tín dụng trị giá 20.000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất từ 6%/năm. Đối tượng được xác định rõ ràng: Doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, nằm trong danh sách được Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ công bố.

Cuộc đua tín dụng 500.000 tỷ đồng hạ tầng, công nghệ số: HDBank tiên phong, Vietcombank, BIDV, Agribank… cùng nhập cuộc

Gói tín dụng của HDBank không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trang bị máy móc, nâng cấp hạ tầng sản xuất hay triển khai chuyển đổi số, mà còn định hình lại cách tiếp cận tín dụng trong giai đoạn mới.

Thay vì rải đều vốn theo cách truyền thống, ngân hàng hướng đến việc “tài trợ mục tiêu kép”: Tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ những doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt thị trường. Đây cũng là bước đi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số và hạ tầng bền vững của Chính phủ trong giai đoạn 2025–2030.

Bên cạnh HDBank, ACB triển khai gói hỗ trợ tổng quy mô 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 20.000 tỷ dành cho các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng, công nghệ số để thúc đẩy tín dụng theo chuỗi. Lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 2% trở lên.

Ngoài ra, Big 4 ngân hàng đã đăng ký tham gia với mức giải ngân mỗi đơn vị 60.000 tỷ đồng. Thực tế, việc giải ngân tín dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm và dự án lớn vẫn đã và đang được các ngân hàng, dẫn đầu với Vietcombank, BIDV, Vietinbank…

Kỳ vọng cú hích lớn

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn, mở rộng dòng vốn đến mọi huyết mạch của nền kinh tế. Trong đó, vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là những đơn vị đã có độ phủ rộng và định vị chiến lược rõ ràng – là yếu tố quyết định hiệu quả lan tỏa dòng vốn.

HDBank là một ví dụ điển hình. Với mạng lưới phủ sóng 61/63 tỉnh, thành và nền tảng số phục vụ hơn 14 triệu khách hàng, ngân hàng đang hướng mạnh vào các khu vực đô thị loại 2 và vùng nông thôn, nơi đang hình thành các cụm công nghiệp mới, chuỗi nông sản – logistics, và tầng lớp doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ năng động. Chiến lược tài trợ của HDBank không dừng lại ở vốn lưu động, mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp SME và hộ kinh doanh tham gia vào các dự án hạ tầng liên vùng, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh HDBank, ACB đang phát triển sâu vào khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung – những địa bàn có tiềm năng phát triển đô thị, năng lượng sạch và hạ tầng du lịch – với chiến lược tín dụng chuỗi giá trị.

Trong khi đó, Vietcombank, với thế mạnh vốn rẻ và quan hệ lâu dài với các tập đoàn đầu ngành, đang đóng vai trò chủ lực trong tài trợ các dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, như cao tốc Bắc Nam, chuỗi điện gió – điện mặt trời miền Trung, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm cách tái cấu trúc sau biến động thương mại toàn cầu.

Tương tự, BIDV đang đẩy mạnh giải ngân tại các khu kinh tế cửa khẩu như Móng Cái, Cầu Treo, Lao Bảo – nơi dòng vốn hạ tầng có thể tạo ra "bản lề" cho thương mại biên mậu và logistics xuyên biên giới, một trong những động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2025–2035.