Làn sóng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh
Trong nửa đầu năm nay, du lịch là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế nước ta, minh chứng cho sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế.
Cụ thể, theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố mới đây, trong tháng 6/2025, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,46 triệu lượt người, giảm 4,3% so với tháng trước, nhưng tăng mạnh 17,1% so với cùng kỳ 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2024.
![]() |
Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2025 - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Đáng chú ý, con số 10,7 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm đã vượt qua tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt) và vượt tới hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm hoàng kim của du lịch Việt Nam trước đại dịch COVID-19.
Số liệu cũng chỉ ra khách đến bằng đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% lượng khách quốc tế đến và tăng 22,7% so với cùng kỳ 2024, cho thấy hạ tầng hàng không đang đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng không gian du lịch, đồng thời phản ánh sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt du khách toàn cầu.
Ngoài ra, du khách đến bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%; bằng đường biển đạt 181,4 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10%.
![]() |
10 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 với 2,7 triệu lượt (chiếm 25,6%). Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt 2,2 triệu lượt (chiếm 20,7%). Riêng hai thị trường này đóng góp 46,3% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Trong nhóm 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay có Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Malaysia, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Như vậy, những con số này không chỉ khẳng định ngành du lịch nước ta đã phục hồi hậu đại dịch COVID-19 và đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, mà còn cho thấy một bước tiến chắc chắn của ngành du lịch nước ta trong hành trình khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch quốc tế.
Triển vọng tăng trưởng lạc quan
Lý giải về làn sóng khách quốc tế tăng mạnh, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng trước hết là nhờ tác động từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử thông thoáng, đồng thời nhờ đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt, xúc tiến du lịch Việt Nam tại châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan... có hiệu quả.
Việc xúc tiến du lịch điện ảnh - truyền thông, du lịch trên các nền tảng số... cũng đã giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định, du lịch Việt Nam là điểm sáng với mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực, trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.
Mới đây nhất, báo cáo số tháng 5 của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đã chỉ ra trong quý I năm nay, du lịch Việt Nam là điểm sáng nổi bật với mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024, vượt qua cả các quốc gia nổi tiếng về du lịch như Hàn Quốc, Nhật Bản…
![]() |
Top 10 điểm đến thu hút nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Nguồn: UN Tourism |
Báo cáo cũng chỉ ra, Việt Nam đứng thứ 2 về phục hồi lượng khách quốc tế đến (tăng 34% so với 2019). Trên toàn cầu, trong quý I, Việt Nam đứng thứ 6 về mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến (tăng 30% so với quý 1/2024) và xếp thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024).
UN Tourism đánh giá trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và nỗ lực phục hồi sau giai đoạn suy yếu vì đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành điểm sáng trong khu vực.
Như vậy, với tiềm năng tăng trưởng tích cực, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục “tỏa sáng” trong nửa cuối năm, đặc biệt là thời điểm mùa cao điểm du lịch cuối năm rơi vào tháng 10-12. Với kết quả đã đạt được trong nửa đầu năm là 10,7 triệu lượt khách quốc tế (đạt khoảng 50% kế hoạch cả năm 2025), ngành du lịch hoàn toàn có tiềm năng cán đích (từ 22 - 23 triệu lượt khách) tăng trưởng trong cả năm 2025.
Thêm vào đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch có thể tạo động lực lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác, qua đó đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay.
Theo Cục Thống kê, các hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đã đóng góp 8,14% giá trị tăng thêm vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia kinh tế dự báo nhu cầu du lịch 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cao, kéo theo mua sắm, tiêu dùng hàng hóa, kích thích chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn.