Ford Motor đang từng bước rút lui khỏi tham vọng đầy tốn kém với xe điện, khi cho phép đối thủ Nissan sử dụng một phần nhà máy sản xuất pin của hãng tại Kentucky, Mỹ. Động thái này được Wall Street Journal đánh giá là dấu hiệu rõ rệt cho thấy Ford đang thu hẹp quy mô đầu tư vào lĩnh vực xe điện sau nhiều năm đặt cược lớn.
Từ năm 2021, Ford công bố khoản đầu tư trị giá 7 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy pin tại Kentucky thông qua liên doanh với SK On (Hàn Quốc). Tuy nhiên, đến nay, một trong hai nhà máy gần như bị bỏ không, chỉ vận hành cầm chừng cho nhu cầu nội bộ của Ford.
Khó khăn chồng chất
Việc nhường lại nhà máy cho Nissan là bước lùi chiến lược trong bối cảnh ngành xe điện đang chững lại. Ford, vốn đặt kỳ vọng lớn vào xu thế điện hóa, hiện đối mặt với loạt thách thức: chi phí sản xuất tăng do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, và đặc biệt là những khoản lỗ ngày càng phình to.
![]() |
Ford từng đặt kỳ vọng sản xuất 2 triệu chiếc xe điện mỗi năm. Ảnh: Tổng hợp |
Năm 2024, Ford đã thua lỗ 5 tỷ USD trong mảng xe điện và dự báo khoản lỗ tương tự sẽ tiếp diễn trong năm 2025. Trước đó, hãng từng đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu xe điện mỗi năm vào 2026 – một con số hiện được xem là phi thực tế.
“Xe điện vẫn tăng trưởng, nhưng chậm hơn nhiều so với kỳ vọng”, Giám đốc tài chính John Lawler thừa nhận, đồng thời cho biết Ford sẽ giảm sản lượng xe điện trong thời gian tới.
Nissan tận dụng cơ hội – Ford cắt giảm sâu kế hoạch
Trong khi Ford cắt giảm, Nissan coi việc sử dụng nhà máy tại Mỹ là cơ hội để tránh một phần thuế quan đánh vào xe và linh kiện nhập khẩu. Hãng xe Nhật đang chịu áp lực tài chính lớn, với khoản lỗ 4,5 tỷ USD trong quý I/2025, kế hoạch sa thải 20.000 lao động và hủy bỏ một nhà máy pin tại Nhật.
Về phía Ford, CEO Jim Farley đang thực hiện loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động. Từ năm 2024, Ford đã hủy bỏ dự án SUV điện ba hàng ghế và trì hoãn ra mắt mẫu bán tải điện F-150 Lightning thế hệ mới sang năm 2027. Kế hoạch này được Financial Times ước tính có thể khiến hãng thiệt hại tới 1,9 tỷ USD.
Tái cấu trúc đầu tư
Theo The New York Times, Ford đang cắt giảm tỷ lệ ngân sách đầu tư cho xe điện từ 40% xuống còn 30%. “Thị trường thay đổi, cạnh tranh khốc liệt hơn. Chúng tôi buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn,” ông Lawler phát biểu trong một cuộc họp với nhà đầu tư.
Khảo sát của S&P Global Mobility cho thấy chi phí cao vẫn là rào cản lớn nhất khiến người tiêu dùng Mỹ chần chừ với xe điện. Trong khi đó, trừ Tesla và một số hãng Trung Quốc, phần lớn nhà sản xuất ô tô đều gặp khó trong việc cắt giảm giá thành mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Dữ liệu quý I/2024 cho thấy Ford lỗ trung bình 132.000 USD trên mỗi chiếc xe điện bán ra. CEO Farley khẳng định Ford vẫn tin tưởng vào tương lai của mảng xe điện, nhưng thừa nhận chỉ có thể theo đuổi nếu đảm bảo được lợi nhuận lâu dài.
Thị trường vẫn đầy thách thức
Bank of America mới đây khuyến nghị các hãng xe Mỹ, trong đó có Ford, nên từ bỏ thị trường Trung Quốc để tập trung vào các thị trường dễ sinh lời hơn như Bắc Mỹ. “Trung Quốc không còn là thị trường chiến lược đối với Ford, GM hay Stellantis”, chuyên gia John Murphy nhận định.
![]() |
Ford càng sản xuất bán ra càng lỗ. Ảnh: Tổng hợp |
Tại quê nhà, Ford cũng không dễ thở. Một cuộc khảo sát do Đại học Chicago và Associated Press - NORC thực hiện cho thấy 47% người Mỹ nói họ “không có kế hoạch” mua xe điện, trong khi chỉ 19% cho biết họ “rất có khả năng” sẽ chọn xe điện cho lần mua tiếp theo.
Phó Giám đốc Jennifer Benz của AP-NORC lý giải: “Chi phí ban đầu và hạ tầng sạc vẫn là hai rào cản lớn khiến người tiêu dùng e ngại”.
Từ chỗ là một trong những hãng ô tô truyền thống quyết liệt nhất trong cuộc đua điện hóa, Ford đang cho thấy sự điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ: từ mở rộng sản xuất sang ưu tiên hiệu quả tài chính. Trong một thị trường ngày càng khó đoán, có lẽ sự thận trọng là lựa chọn duy nhất để tồn tại.