Theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng phân tích thị trường Metric, trong quý I/2025, ngành hàng chăm sóc sức khỏe trên thương mại điện tử ghi nhận doanh số gần 4.535 tỷ đồng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm hơn 2.226 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ thông qua các gian hàng chính hãng chỉ chiếm 22,6% trên Shopee và 32,2% trên TikTok Shop. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 70% giao dịch đến từ các cửa hàng không được xác thực về nguồn gốc và chất lượng.
Đáng lo ngại hơn, phần lớn những sản phẩm này không có tem nhãn phụ tiếng Việt, thiếu thông tin nhà phân phối và không chứng minh được quy trình kiểm định. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin thị trường mà còn trực tiếp đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng.
![]() |
Rất nhiều người đang mua TPCN theo kiểu hên xui. Ảnh minh họa |
Tâm lý tiêu dùng phổ biến hiện nay vẫn đặt nặng yếu tố giá cả và tiện lợi. Với chỉ vài cú click chuột, người dùng có thể đặt mua một lọ TPCN với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, lại được giao tận nơi trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, các nội dung quảng cáo bắt mắt, lời giới thiệu thổi phồng từ các KOLs, người nổi tiếng không có chuyên môn đã khiến người tiêu dùng tin tưởng mù quáng.
Một số nhà bán hàng thậm chí còn lách luật bằng cách đăng sản phẩm vào các danh mục không yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt, tránh né sự kiểm soát từ sàn thương mại hoặc cơ quan quản lý. Những hành vi này vô tình tiếp tay cho hàng trôi nổi len lỏi vào đời sống hàng ngày.
![]() |
Thương mại điện tử phát triển khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận hàng hóa. Ảnh minh họa |
Bên cạnh sự thiếu kiểm soát của thị trường, nguyên nhân sâu xa còn nằm ở chính người tiêu dùng. Phần đông vẫn thiếu kiến thức về cách phân biệt sản phẩm đạt chuẩn, không biết kiểm tra mã vạch, chứng từ hay giấy công bố thành phần. Các biểu hiện như bao bì sơ sài, không rõ xuất xứ, không có hóa đơn tài chính… thường bị bỏ qua.
Trong bối cảnh ấy, nhiều sản phẩm được “thần thánh hóa” thông qua các livestream hay bài viết PR trá hình, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa và sử dụng sai mục đích.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc sử dụng thực phẩm chức năng đúng cách sẽ mang lại lợi ích thực sự cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, hậu quả có thể là rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan thận hoặc thậm chí gây ngộ độc.