Sống trong một xã hội đầy biến động, sự nghiệp của mỗi người có thể thăng trầm như tàu lượn. Nhưng giá trị thật sự của con người không nằm ở chức danh mà ở cách họ đứng dậy sau những lần vấp ngã.
Lập trình viên Huawei mất việc phải quét rác để mưu sinh: 'Có việc làm còn hơn là thất nghiệp!'
Lão Trương từng có một sự nghiệp đáng mơ ước. Ảnh minh hoạ

Tại một khu dân cư yên bình ở Bắc Kinh, hình ảnh một người đàn ông miệt mài quét rác khiến nhiều người ngạc nhiên. Anh không giống những công nhân vệ sinh thường thấy. Với dáng vẻ trí thức, phong thái nhẹ nhàng và cách nói chuyện chừng mực, ít ai nghĩ rằng anh từng là lập trình viên cho một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Lão Trương từng có một sự nghiệp đáng mơ ước. Anh tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học danh giá ở Bắc Kinh, làm việc tại Huawei với mức lương cao và ổn định. Nhưng khủng hoảng tuổi 35, nỗi ám ảnh của nhiều kỹ sư công nghệ cũng không buông tha anh. Khi được thông báo không gia hạn hợp đồng, anh rơi vào cảnh thất nghiệp.

Hôm ấy, anh giả vờ bình thản, đi siêu thị mua vài món ăn như thể không có chuyện gì xảy ra. Nhưng bên trong là sự trống rỗng. Là trụ cột gia đình, từng tin rằng học hành chăm chỉ sẽ đảm bảo một cuộc sống yên ổn, Lão Trương chợt nhận ra: mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong một thông báo.

Anh từng đầu tư vào chứng khoán nhưng thua lỗ hơn 100.000 tệ. Trong khi đó, chi phí thuê nhà lên tới 15.000 tệ mỗi tháng và các khoản chi tiêu khiến anh như bị dồn đến chân tường. Khi mẹ già bị bong gân mà vẫn cố nói rằng mình ổn, chỉ để con trai đỡ lo, Lão Trương hiểu rằng đã đến lúc phải hành động.

Không còn lựa chọn, anh gác lại sĩ diện để xin làm công nhân vệ sinh trong khu dân cư. Công việc bắt đầu lúc 6 giờ 30 sáng, kết thúc lúc 9 giờ 30 tối, không nghỉ lễ, thu nhập mỗi tháng chỉ 3.000 tệ. Nhưng anh nói: "Có việc làm còn hơn là thất nghiệp".

Chỉ sau một tuần, Lão Trương đã thuần thục công việc mới. Anh làm sạch rác, phân loại và vận chuyển chúng một cách ngăn nắp. Buổi sáng anh dọn hành lang, trưa tranh thủ về nấu cơm cho cha mẹ. Dù công việc vất vả, nhưng nó giúp anh có thời gian suy nghĩ và chia sẻ câu chuyện của mình qua các video đăng trên mạng.

Khi những video ấy lan truyền, một số cư dân mạng hoài nghi rằng anh đang dựng chuyện. Nhưng Lão Trương khẳng định, anh thật sự là công nhân vệ sinh và muốn truyền cảm hứng cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Anh vẫn còn khoảng 500.000 tệ tiền tiết kiệm, nhưng anh để dành cho những lúc đau ốm. Hiện tại, anh sống nhờ thu nhập từ chính đôi tay mình.

Xã hội hiện đại có thể khiến những người từng ở đỉnh cao phải quay lại điểm xuất phát. Điều đó không làm họ kém đi. Như Lão Trương nói: "Không ai là không thể thay thế. Quan trọng là dám đứng lên, dám bắt đầu lại".

Chuyển sang công việc lao động chân tay có thể là giải pháp tạm thời, nhưng người từng học tập và lao động trí óc nên tiếp tục trau dồi kỹ năng, mở rộng cơ hội. Vừa đảm bảo cuộc sống trước mắt, vừa chuẩn bị cho những chặng đường dài phía sau.

Chúng ta không thể kiểm soát mọi biến cố trong cuộc sống. Nhưng cách đối mặt với nghịch cảnh, bằng sự lương thiện, cần cù và không từ bỏ, mới là điều đáng quý. Và dù bạn là ai, làm gì, chỉ cần bạn đang nỗ lực một cách chân chính, bạn xứng đáng được tôn trọng.

Theo Sohu