Ở tuổi U60, Lưu Tú Quân (sinh năm 1969, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) lại đưa ra quyết định táo bạo: từ bỏ công việc kinh doanh vật liệu xây dựng và thép để bắt đầu trồng một loại rau ngoại nhập có tên chicory – hay còn gọi là rau diếp xoăn.
Bắt đầu từ một bữa ăn tối với bạn bè, ông Lưu lần đầu tiên nếm thử loại rau có hình dáng gần giống cải thảo nhưng hương vị lại đặc biệt hơn nhiều: ban đầu đắng nhẹ, sau đó ngọt thanh.
Tò mò và thích thú, ông tìm hiểu và phát hiện đây là giống rau có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm sưng, lợi tiểu. Vào thời điểm đó, rau chicory là giống nhập khẩu và hầu như chưa phổ biến tại Trung Quốc.
![]() |
Nhờ trồng rau chicory đã giúp người đàn ông U60 từ nghèo khó vươn lên làm giàu nhanh chóng. Ảnh: Tổng hợp |
Nhận thấy tiềm năng thị trường lớn, ông Lưu quyết định khởi nghiệp – dù không hề có nền tảng nông nghiệp. Tuy nhiên, việc canh tác chicory không hề dễ dàng.
Loại rau này yêu cầu môi trường trồng khắt khe: nhiệt độ phải ổn định ở mức khoảng 1 độ C với sai số cực nhỏ (không vượt quá 0,55 độ C), không gian phải hoàn toàn tối vì ánh sáng sẽ khiến rau chuyển màu xanh và tăng độ đắng.
Sau nhiều lần thất bại, ông chuyển mô hình từ trồng ngoài đồng sang sản xuất trong nhà máy khép kín. Tuy nhiên, lứa rau đầu vẫn không đạt chất lượng.
Quan sát kỹ, ông phát hiện rễ mầm thường bị thối ở gần cửa ra vào mỗi lần công nhân mở cửa thông gió. Từ đó, ông cải tiến hệ thống, lắp đặt hệ thống thông gió tương tự siêu thị, hạn chế tối đa sự can thiệp trực tiếp từ con người.
Khi bài toán sản xuất được giải quyết, bài toán tiêu thụ lại đặt ra: Ai sẽ chi tới 80 NDT/kg (khoảng 274.000 đồng) cho một loại rau lạ, lại có hình dạng tương tự cải thảo?
![]() |
Một trong số những quy trình trồng rau. Ảnh: Tổng hợp |
Thay vì chọn cách tiếp thị đại trà, ông Lưu tập trung vào các nhóm mua chung cao cấp. Ông mời những người đứng đầu cộng đồng này đến trải nghiệm sản phẩm trực tiếp tại trang trại – nơi được mô phỏng như một mô hình trồng rau thủy canh thu nhỏ.
Nhờ đó, rau chicory dần tạo được chỗ đứng trong các phân khúc khách hàng khó tính.
Không chỉ dừng ở đó, ông còn triển khai chiến lược phân loại rau theo chất lượng: loại tốt nhất cung cấp cho các nhà hàng cao cấp; loại trung bình dùng để làm trà và rượu lên men; loại còn lại kết hợp với các nhà máy để sản xuất nhân sủi cảo.
![]() |
Doanh nghiệp của ông Lưu đang làm ăn khấm khá, mỗi năm doanh thu lên tới 171 tỷ đồng. Ảnh: Tổng hợp |
Chính sự linh hoạt trong chiến lược sản xuất và phân phối đã đưa doanh nghiệp của ông Lưu đến thành công. Hiện nay, công ty của ông đạt doanh thu trên 50 triệu NDT mỗi năm – tương đương hơn 171 tỷ đồng Việt Nam.
Từ một người “tay ngang” không rành nông nghiệp, Lưu Tú Quân đã chứng minh rằng: với tầm nhìn, sự kiên trì và cải tiến không ngừng, ngay cả một cây rau cũng có thể trở thành “vàng xanh” trong thời đại mới.