Một khảo sát mới công bố của Rakuten Insight (Nhật Bản) cho thấy thị trường gọi xe tại Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ taxi truyền thống sang các nền tảng công nghệ như Grab, Xanh SM và Be.
Theo kết quả khảo sát, có tới 66% người tham gia cho biết thường xuyên đặt ô tô và 67% đặt xe máy thông qua ứng dụng gọi xe. Đáng chú ý, 77% sử dụng dịch vụ này ít nhất 3 lần mỗi tháng, cho thấy sự gắn bó ngày càng lớn của người tiêu dùng với các nền tảng công nghệ trong nhu cầu đi lại hàng ngày.
Không chỉ phục vụ cho việc di chuyển đơn thuần, dịch vụ gọi xe còn được người Việt sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Khoảng 42% người tham gia khảo sát dùng dịch vụ này để gặp gỡ bạn bè, 37% cho các chuyến đi ăn uống, 36% đến trung tâm thương mại và 33% tham gia các sự kiện. Ngoài ra, 32% sử dụng để đến nơi làm việc và 30% cho hành trình về nhà.
![]() |
Thị phần gọi xe tại Việt Nam do Rakuten Insight nghiên cứu |
Về thị phần, Grab đang giữ vị trí dẫn đầu với tỷ lệ người dùng lên tới 55% tại các thành phố lớn và 54% ở khu vực khác. Xanh SM - nền tảng gọi xe thuần điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ hai với 32% người dùng, cao hơn một chút tại các thành phố lớn. Be chiếm 9% thị phần, trong khi các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun cộng lại chỉ đạt 3%, còn 1% thuộc về Maxim.
Sự lựa chọn thương hiệu chủ yếu được quyết định bởi tính sẵn có, chất lượng dịch vụ và giá cả. Grab được đánh giá cao nhờ khả năng gọi xe nhanh chóng và ứng dụng thân thiện. Xanh SM nổi bật với chất lượng xe mới, sạch, tài xế lịch sự, trong khi Be được ưa chuộng ở nhóm người dùng có ý thức về chi phí nhờ nhiều chương trình khuyến mại.
Khảo sát cũng cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa các thành phố chính và các khu vực đô thị khác. Tại các thành phố chính, người dùng chi trung bình hàng tháng là 252.101 VND cho việc đi ô tô và 104.907 VND cho việc đi xe đạp, so với 219.518 VND và 94.880 VND tại các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Sự chênh lệch 14,8% trong chi tiêu cho ô tô này làm nổi bật sự ưu tiên của người tiêu dùng thành thị đối với sự tiện lợi bất chấp những thách thức về giao thông và bãi đậu xe, trong khi các thành phố khác nhấn mạnh vào khả năng chi trả.
Vinasun dò đáy lợi nhuận
Thị trường gọi xe Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, với người tiêu dùng ngày càng đề cao trải nghiệm, tiện lợi và chi phí hợp lý. Xu hướng này không chỉ củng cố vị thế của các ứng dụng gọi xe công nghệ, mà còn đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị của taxi truyền thống.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 của Vinasun ghi nhận doanh thu đạt 234 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 14 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 36% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất sau 12 quý kể từ khi kết thúc đại dịch Covid-19.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Vinasun thành lập năm 1995 và có quá trình tăng trưởng thần tốc, đạt đỉnh vào năm 2016 với doanh thu 4.520 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 313 tỷ đồng và sở hữu 6.141 xe (tính đến cuối năm 2015). Địa bàn hoạt động chủ yếu tại khu vực miền Nam như TP. HCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
Đây cũng là giai đoạn các hãng xe công nghệ như Grab, Uber, Be... bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Sự thuận tiện cùng mức giá phải chăng, minh bạch đã khiến người dùng dịch chuyển xu hướng sang sử dụng dịch vụ mới.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2016, kết quả kinh doanh của Vinasun liên tục sụt giảm trong những năm tiếp theo. Tính đến ngày 31/12/2024, công ty chỉ còn sở hữu 2.418 xe và 1.549 nhân sự, giảm 15.611 người sau 8 năm. Riêng trong năm 2024, Vinasun giảm gần 300 nhân sự.