Tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” tổ chức sáng 13/5, PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), đã chỉ rõ những điểm nghẽn nghiêm trọng đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam - khu vực hiện đang sử dụng tới 82% lực lượng lao động, đóng góp hơn 50% GDP và 30% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ: khu vực tư nhân mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 40% – 60% ở các nền kinh tế phát triển.

Theo Tổng thư ký VFCA, tình trạng này phản ánh sự thiếu đồng bộ trong thể chế tài chính, khiến tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hộ kinh doanh cá thể khó vươn ra khỏi cái bóng của tín dụng ngân hàng và gần như đứng ngoài các kênh huy động vốn trung và dài hạn.

“Chi phí vốn cao khiến doanh nghiệp không dám đầu tư mở rộng, chưa nói đến chuyện đổi mới công nghệ hay nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà nhấn mạnh.

Hiện các doanh nghiệp tư nhân đang gánh gần 7 triệu tỷ đồng dư nợ ngân hàng, tương đương gần 50% tổng tín dụng toàn hệ thống, với mặt bằng lãi suất 9–11%/năm, cao hơn đáng kể so với mức 6–7%/năm tại khu vực ASEAN. Trong khi đó, chứng khoán, vốn được xem là kênh dẫn vốn dài hạn hiệu quả lại chưa phát huy vai trò do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn với doanh nghiệp.

Nghịch lý: Kinh tế tư nhân ‘gánh’ 82% lao động quốc gia, góp hơn 50% GDP nhưng chỉ huy động được 13% vốn qua TTCK

Tổng thư ký VFCA cho rằng, việc khu vực tư nhân chiếm phần lớn lực lượng lao động và đóng góp trọng yếu cho nền kinh tế, mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán không chỉ là một nghịch lý, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự mất cân đối thể chế tài chính.

Một điểm đáng lo là ngoài việc bị “mắc kẹt” trong hệ thống tín dụng truyền thống, phần lớn DNNVV và startup không tiếp cận được các nguồn vốn mạo hiểm. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, bỏ ngỏ các ngành trụ cột như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics.

“Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực trụ cột đang bị đói vốn dài hạn, dù họ có tiềm năng và sức bật. Thiếu quỹ đầu tư đối ứng (matching fund), thiếu cơ chế trái phiếu đạt chuẩn quốc tế, tất cả khiến dòng vốn vẫn đứng ngoài cánh cửa”, Tổng thư ký VFCA nhận định.

Tình trạng thiếu năng lực quản trị tài chính cũng là một điểm yếu chí tử. Theo báo cáo của ADB, chỉ 21% DNNVV tại Việt Nam có hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế, khiến họ khó lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư quốc tế hay thậm chí là ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, trong 5,2 triệu hộ kinh doanh hiện nay, có tới 3 triệu hộ chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng nghĩa với việc chưa được công nhận là thành phần kinh tế chính thức. Hệ quả là nhóm này bị gạt khỏi mọi chương trình hỗ trợ vốn, bảo hiểm, đào tạo và chuyển đổi số.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp hay hộ cá thể không thể mãi bị chặn ở ngưỡng cửa ngân hàng chỉ vì không có đủ tài sản thế chấp. Cần có hệ thống đánh giá tín nhiệm độc lập, cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro linh hoạt để thúc đẩy họ bước ra ánh sáng”, Tổng thư ký VFCA đề xuất.

Do đó, muốn khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển mới, như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác định, không thể chỉ dừng ở các chính sách ưu đãi hành chính hay hỗ trợ tín dụng ngắn hạn.

“Khơi thông vốn không thể trông đợi mãi vào hỗ trợ nhà nước hay ưu đãi chính sách. Đã đến lúc kinh tế tư nhân phải song hành cùng cải cách thể chế tài chính bằng một tư duy chủ động về huy động vốn minh bạch, bài bản, chuyên nghiệp”, Tổng thư ký VFCA nhấn mạnh.

Đồng thời chuyên gia VFCA gợi ý, mô hình như chương trình SME Link của USAID và VCCI, giúp hơn 500 doanh nghiệp chuẩn hóa hồ sơ tín dụng, tiếp cận hơn 1.000 tỷ đồng vốn vay trong năm 2023, được cho là hướng đi cần được nhân rộng, kết hợp cùng các sáng kiến pháp lý về sandbox fintech, tín dụng xanh, và chuẩn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp.