Sản phẩm xuất khẩu đối diện 284 vụ điều tra
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động đáng kể, đặc biệt là về chính sách thuế toàn cầu. Các quốc gia ngày càng có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những quy tắc thuế mới toàn cầu.
Các cuộc điều tra về PVTM không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn, khi các quốc gia điều tra đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn như: Yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng, cũng như đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng.
Đơn cử, ngày 12/5 vừa qua, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số mặt hàng dây đai thép nhập khẩu từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước đó một tuần (ngày 6/5), Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cũng nhận được thông tin về việc Ai Cập đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra CBPG đối với lốp xe ô tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong tháng 4/2025, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ điều tra CBPG với thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, KTC xác định biên độ phá giá cho 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam lần lượt ở mức 18,81% và 11,37%. Các cuộc điều tra và kết luận áp thuế CBPG từ nhiều thị trường đang gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
![]() |
Tính đến tháng 4/2025, tổng số vụ việc điều tra PVTM của các quốc gia đối với Việt Nam đã lên đến 284 vụ (Ảnh minh họa) |
Nhận định trong những năm gần đây, các biện pháp PVTM có xu hướng gia tăng mạnh trên toàn cầu, bà Nguyễn Anh Thơ, Phòng xử lý PVTM nước ngoài – Cục PVTM cho hay, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục đẩy mạnh sử dụng PVTM với phạm vi ngày càng mở rộng cả về số lượng và tính chất pháp lý. Trong đó, các quốc gia nhập khẩu sử dụng các quy định khắt khe hơn về xuất xứ và giá trị gia tăng nội địa.
“Tính đến tháng 4/2025, tổng số vụ việc điều tra PVTM của các quốc gia đối với Việt Nam đã lên đến 284 vụ. Trong đó có tới 54,6% là các vụ chống bán phá giá, 20,8% vụ điều tra liên quan đến tự vệ, 13,7% vụ chống lẩn tránh và 10,9% vụ chống trợ cấp. Ngoài ra, điều tra chống lẩn tránh PVTM có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt từ thị trường Mỹ với 22 vụ”, bà Thơ cho biết.
“Cuộc chiến” phòng vệ thương mại sẽ ngày càng lớn
Bộ Công Thương nhận định, xu hướng trong thời gian tới là các quốc gia trên thế giới sẽ đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng. Thông qua việc sử dụng các quy định về nền kinh tế phi thị trường, tình hình thị trường đặc biệt, yêu cầu khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc PVTM.
Đồng thời, nhiều quốc gia tiếp tục sử dụng những biện pháp PVTM có phạm vi áp dụng rộng như tự vệ hoặc chống lẩn tránh để tăng cường bảo hộ, hoặc tiếp tục sửa đổi thêm các quy định theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn.
![]() |
Các quốc gia trên thế giới sẽ đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng (Ảnh minh họa) |
Hiện Hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Công Thương đã xác định một số nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị điều tra PVTM, bao gồm: Ngành gỗ (gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa khung gỗ, gỗ thanh định hình); thép (thép cán nóng, thép dự ứng lực, thép chống ăn mòn, cáp thép); vật liệu xây dựng (đá nhân tạo, gạch men); cơ khí, chế tạo (pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện, máy giặt, lốp xe) và kim loại màu.
Để đối phó với các biện pháp PVTM từ các nước nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định PVTM của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những nước thường xuyên điều tra. Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Bộ Công Thương. Đồng thời, nên trao đổi với đối tác nhập khẩu về tình hình hoặc khả năng phát sinh vụ việc PVTM tại thị trường nhập khẩu.
Hòa Phát lách qua “khe cửa hẹp”
Từ ngày 5/5/2025, doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát đã có thể xuất khẩu sản phẩm thép hộp (LWRPT) vào thị trường Mỹ và thực hiện quy trình tự chứng nhận xuất xứ mà không bị áp thuế chống bán phá giá. Đây là thông tin trong thông báo kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sau khi rà soát hành chính vụ điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép hộp từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Hòa Phát đã tham gia vụ rà soát hành chính này và chứng minh rằng thép nền để sản xuất các sản phẩm ống thép hộp xuất sang Mỹ trong giai đoạn rà soát (2022–2023) có nguồn gốc từ Việt Nam. Theo đó, các lô hàng ống thép của Hòa Phát không chịu thuế chống bán phá giá, loại thuế mà Mỹ từng áp cho Hòa Phát trong vụ điều tra lẩn tránh năm 2022.
![]() |
Các lô hàng của ống thép Hòa Phát không chịu thuế chống bán phá giá (Ảnh: Haiquanonline.com) |
DOC kết luận rằng Hòa Phát sử dụng thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ Việt Nam cho các lô hàng LWRPT trong giai đoạn rà soát. Vì vậy, Hòa Phát được phép tham gia quy trình tự chứng nhận cho các lô hàng xuất khẩu sau này, hiệu lực kể từ ngày 5/5/2025.
Đại diện Hòa Phát khẳng định, kết luận của Mỹ là thành công của doanh nghiệp trong việc hợp tác chặt chẽ, chủ động cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan cho cơ quan điều tra của Mỹ. Dữ liệu minh bạch và hệ thống rõ ràng là một trong những yếu tố góp phần vào thành công của doanh nghiệp trong vụ việc lần này.
“Doanh nghiệp luôn tuân thủ quy định về điều kiện xuất xứ của hàng hóa, đảm bảo sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước với HRC chất lượng cao, được sản xuất tại Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất”, lãnh đạo Hòa Phát nhấn mạnh.