Thuế quan Mỹ và những tác động lên dòng vốn FDI
Ngày 2/4/2025, Mỹ công bố danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng, chủ yếu dựa trên thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam nằm trong nhóm nước chịu mức thuế cao nhất, làm dấy lên lo ngại về tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh này, bài toán chi phí – lợi ích trở nên đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp FDI buộc phải cân nhắc lại chiến lược sản xuất, đặc biệt là điều chuyển các dòng sản phẩm đang chịu mức thuế cao sang những quốc gia có chính sách thuế ưu đãi hơn. Đồng thời, vẫn duy trì sản xuất tại Việt Nam đối với các mặt hàng chịu mức thuế thấp để tối ưu chi phí và duy trì tính cạnh tranh.
![]() |
Nguồn: BVSC |
Một số tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare và Goertek tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhờ vào chiến lược dài hạn và vai trò trung tâm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Trong khi đó, LG, Intel và Samsung đang cân nhắc việc dịch chuyển một phần sản xuất sang Ấn Độ, Thái Lan hoặc Indonesia – những quốc gia có ưu đãi thuế tốt hơn.
Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngoài thuế suất, các yếu tố như chi phí lao động, logistics, hạ tầng đồng bộ và mức độ tự do thương mại cũng có ảnh hưởng lớn đến quyết định dịch chuyển. Môi trường chính trị ổn định, cơ chế thông thoáng, cùng chính sách hỗ trợ ESG (như điện tái tạo) đang ngày càng trở thành ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, Việt Nam có lợi thế với chi phí nhân công thấp và giá thuê đất cạnh tranh. Việc đẩy mạnh đầu tư công, mở rộng hệ sinh thái công nghệ cao và giảm tỷ trọng ngành gây hại môi trường sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI có giá trị gia tăng lớn hơn. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp nhất trong khu vực ASEAN, là lợi thế cạnh tranh nổi bật so với các nước trong khu vực.
![]() |
Các yếu tố doanh nghiệp quan tâm khi dịch chuyển chuỗi cung ứng |
Tuy vậy, doanh nghiệp FDI cũng sẽ thận trọng hơn trong bài toán chi phí – lợi ích, vì việc dịch chuyển nhà máy đòi hỏi vốn đầu tư lớn (CAPEX) và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, chính sách thuế có thể thay đổi theo từng nhiệm kỳ chính phủ, khiến rủi ro gia tăng.
Do đó, Việt Nam vẫn là lựa chọn khả thi nhờ vị trí địa lý chiến lược, chi phí cạnh tranh và khả năng tiếp cận đa thị trường thông qua các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP – nền tảng mà không nhiều quốc gia sở hữu cùng lúc.
Tác động của thuế quan Mỹ đến doanh nghiệp khu công nghiệp
Theo BVSC, trong ngắn hạn, sự bất định về thuế quan sẽ tạo áp lực nhất định lên ngành khu công nghiệp (KCN). Các doanh nghiệp FDI có xu hướng trì hoãn kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cho thuê đất tại các KCN. Tác động cụ thể:
- Nhóm ghi nhận doanh thu một lần: Các doanh nghiệp như KBC, VGC, IDC, với tỷ trọng doanh thu từ cho thuê KCN lớn, sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh năm 2025.
- Nhóm ghi nhận hàng năm: Doanh nghiệp như SIP, DPR, PHR ít chịu tác động hơn trong ngắn hạn. Doanh thu từ KCN không chiếm tỷ trọng lớn và có dư địa tăng trưởng nếu môi trường thuế trở nên thuận lợi hơn.
![]() |
BVSC đánh giá tác động của chính sách thuế quan lên doanh nghiệp BĐS KCN |
Về triển vọng trung hạn (sau năm 2026), mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận dứt khoát, BVSC đánh giá xu hướng áp thuế sẽ chuyển dần từ diện rộng sang các lĩnh vực cụ thể. Điều này giúp giảm áp lực lên các ngành ít bị ảnh hưởng, đồng thời mở ra cơ hội cho dòng vốn FDI tiếp tục dịch chuyển thay vì bị trì hoãn như trong năm 2025.
Mỹ áp thuế đồng loạt lên nhiều quốc gia khiến tất cả các trung tâm sản xuất toàn cầu đều phải đối mặt với rủi ro. Điều này khiến việc tìm kiếm địa điểm mới để đầu tư trở nên phức tạp. Tuy nhiên, nếu Mỹ giữ nguyên mức thuế cao với các ngành mà họ có lợi thế (chất bán dẫn, ô tô...) và duy trì mức thuế thấp (~10%) với các ngành Mỹ không có thế mạnh như dệt may, thủy sản, thì nhóm ngành KCN tại Việt Nam vẫn có thể duy trì ổn định.
Chính phủ Việt Nam cũng đang chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp FDI, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với 17 FTA đã ký kết, Việt Nam tiếp tục hướng tới cân bằng quan hệ thương mại đa phương, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI dài hạn.
BVSC cho rằng trong ngắn hạn, ngành KCN nên được đánh giá ở mức trung lập. Tuy nhiên, trong dài hạn, cơ hội vẫn hiện hữu, đặc biệt với những doanh nghiệp: Có nền tảng tài chính vững mạnh; doanh thu ít bị ảnh hưởng trong năm 2025; có chính sách cổ tức tiền mặt ổn định; đang được định giá hấp dẫn.
Những cái tên đáng chú ý bao gồm: SIP, DPR, PHR – nhóm doanh nghiệp có tiềm năng hưởng lợi rõ rệt khi thị trường phục hồi sau giai đoạn điều chỉnh chính sách thuế.