Theo Báo Thanh Hoá, UBND tỉnh vừa phê duyệt phân bổ kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong dự toán ngân sách địa phương năm 2025. Nguồn kinh phí này bao gồm cả phần dành cho tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ, cùng một số chế độ, chính sách giáo dục và các nhiệm vụ phát sinh khác.

Theo quyết định phân bổ, có tổng cộng 67 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được nhận kinh phí đợt này. Danh sách bao gồm các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên - kỹ thuật tổng hợp và cơ sở đào tạo nghề dành cho thanh thiếu niên khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

1 tỉnh chi hơn 14 tỷ để thực hiện chế độ đối với giáo viên hợp đồng
Ảnh minh hoạ

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chịu trách nhiệm bảo đảm việc phân bổ kinh phí đúng đối tượng, đúng định mức, đúng quy trình và đầy đủ căn cứ pháp lý theo quy định. Đồng thời, việc cấp phát cũng cần bao quát cả những nội dung chưa được thể hiện cụ thể trong văn bản đề xuất.

Các sở, ngành liên quan như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ được giao phối hợp hướng dẫn, kiểm tra và giám sát quá trình sử dụng kinh phí tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm hiệu quả và minh bạch.

Các đơn vị được cấp kinh phí có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực đúng mục đích, chủ động trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện thanh quyết toán kịp thời theo quy định. Mục tiêu là góp phần ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.

Hơn 3.000 giáo viên hợp đồng ở Thanh Hoá lo lắng

Theo thông tin từ Báo Tiền Phong vào đầu tháng 5/2025, quyết định số 5273/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định thời gian thực hiện hợp đồng đối với giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP là từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/5/2025.

1 tỉnh chi hơn 14 tỷ để thực hiện chế độ đối với giáo viên hợp đồng
Giờ dạy của 1 giáo viên hợp đồng tại Thanh Hoá. Ảnh: Báo Tiền Phong

Điều này đồng nghĩa với việc đến hết tháng 5, hơn 3.800 giáo viên thuộc diện hợp đồng theo Nghị định 111 tại Thanh Hóa sẽ kết thúc hợp đồng mà chưa rõ có được ký tiếp ngay trong tháng 6 hay không.

Nỗi lo lớn nhất hiện nay của các giáo viên là nếu không được tiếp tục hợp đồng trong hai tháng nghỉ hè (tháng 6 và 7), họ sẽ rơi vào tình trạng không có thu nhập, đồng thời các chế độ bảo hiểm cũng bị gián đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân và gia đình.

Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã có đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện ký hợp đồng kéo dài 12 tháng đối với giáo viên theo Nghị định 111. Đề xuất nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động, đồng thời phù hợp với đặc thù nghề nghiệp trong ngành giáo dục.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, ngành giáo dục có tính chất đặc thù, trong đó kỳ nghỉ hè không phải là thời gian nghỉ hoàn toàn mà vẫn diễn ra nhiều hoạt động chuyên môn như thi tốt nghiệp, tuyển sinh và bồi dưỡng nghiệp vụ. Do đó, việc ký hợp đồng trọn vẹn cả năm là cần thiết để ổn định đội ngũ và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp rà soát, tổng hợp nhu cầu giáo viên hợp đồng theo từng cấp học, từng đơn vị trường học cho năm học 2025–2026. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.