Trao đổi với TTXVN, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, việc Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” là kết quả tích cực trong việc nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT), cũng như các hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, bốn quốc gia Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga được xếp vào hạng "rủi ro cao", thúc đẩy nạn phá rừng. Trong khi đó, Brazil và Indonesia, vốn có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới, được phân loại "rủi ro tiêu chuẩn", với mức kiểm soát trung bình.
Theo đó, EU sẽ thực hiện kiểm tra tuân thủ với 9% công ty xuất khẩu từ các quốc gia có rủi ro cao, 3% từ các quốc gia có rủi ro tiêu chuẩn và 1% với các quốc gia rủi ro thấp. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được áp dụng các yêu cầu thẩm định kỹ lưỡng đơn giản hơn, giúp giảm gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.
EUDR là một phần trong những nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng bất hợp pháp toàn cầu thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các chuỗi cung ứng sản phẩm nông – lâm nghiệp. EUDR áp dụng đối với các mặt hàng như gỗ, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su và thịt bò, cùng một số sản phẩm phái sinh như da, sô-cô-la và đồ nội thất.
Quy định này sẽ áp dụng với các doanh nghiệp lớn từ cuối năm 2025 và từ tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 4% doanh thu của họ tại quốc gia xuất khẩu thành viên EU.
EC khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và Chính phủ các nước trong quá trình triển khai thực tế EUDR, đảm bảo thực thi hiệu quả mà không gây cản trở đến thương mại hợp pháp và phát triển kinh tế.