Phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước và đóng góp không dưới 20% GDP, từ lâu đã được xem là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa được trao đủ cơ hội để phát huy hết tiềm năng, đặc biệt trong các hoạt động kinh tế then chốt như đầu tư công.

“DNNVV đang đối diện với nhiều thách thức hơn là cơ hội. Nếu muốn nền kinh tế tăng trưởng hai con số, Nhà nước cần thực sự tháo gỡ rào cản để khu vực này có thể bứt phá", ông nhận định.

Đề xuất phân bổ tối thiểu 30% dự án đầu tư công cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh minh hoạ.

Một trong những kiến nghị nổi bật được ông Thân đưa ra là cần phân bổ ít nhất 30% tổng số dự án đầu tư công cho DNNVV tham gia. Theo ông, đây là một giải pháp mang tính chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển cho khu vực chiếm hơn 80% việc làm trong khối kinh tế tư nhân. Việc phân bổ hợp lý tỷ lệ tham gia sẽ góp phần kích hoạt năng lực sản xuất – kinh doanh tại chỗ, tạo lan tỏa tới nhiều ngành nghề phụ trợ và cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.

“Chúng tôi không đòi hỏi đặc quyền, mà chỉ mong muốn có thêm cơ hội. Không thể để DNNVV mãi chỉ làm thuê hoặc làm vệ tinh cho các tập đoàn lớn,” ông Thân nhấn mạnh.

Không chỉ thiếu cơ hội tiếp cận đầu tư công, vấn đề vốn cũng tiếp tục là nút thắt lớn với DNNVV. Ông Thân đề xuất cần xây dựng các mô hình quỹ đầu tư trung gian với cơ chế linh hoạt, thử nghiệm như sandbox cho các doanh nghiệp fintech, ngân hàng số... nhằm cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi và thủ tục phê duyệt đơn giản hơn.

“Chúng tôi mong có các quỹ tài chính trung gian, mô hình thử nghiệm như sandbox cho DNNVV tiếp cận vốn dễ hơn, không phải chật vật qua thủ tục rườm rà,” ông Thân nói.

Bên cạnh đó, ông thẳng thắn chỉ ra tình trạng tham nhũng, lãng phí và cơ chế "xin – cho" trong phân bổ vốn đầu tư công là một rào cản lớn cản trở sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực yếu thế hơn như DNNVV.

“Phải dẹp bỏ cơ chế xin – cho, thay vào đó là một hệ thống thưởng – phạt minh bạch, bình đẳng giữa cơ quan công quyền và doanh nghiệp. Khi môi trường kinh doanh được cải thiện thực chất, mục tiêu tăng trưởng hai con số là hoàn toàn khả thi,” ông Thân khẳng định.

Cũng tại Diễn đàn, ông Thân bày tỏ mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp cần được trao quyền mạnh mẽ hơn về mặt pháp lý. Theo ông, hiện các hiệp hội phần lớn chỉ hoạt động mang tính tự nguyện, thiếu cơ chế chính thức để đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đối thoại chính sách với Nhà nước.

“Chúng tôi cần được giao nhiệm vụ chính thức bằng văn bản từ Đảng và Nhà nước, để có cơ sở pháp lý đại diện cho doanh nghiệp, phản biện chính sách và tham gia giám sát. Đây là điều nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện, và là điều kiện cần để hiệp hội phát huy vai trò thực chất,” ông nói.