Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 4/2023 ước đạt 1,1 triệu tấn, nâng tổng sản lượng xuất khẩu 4 tháng lên 2,95 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu riêng tháng 4 đạt 573,9 triệu USD, nâng tổng giá trị 4 tháng đầu năm lên 1,56 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giá này giúp gạo Việt vượt Thái Lan vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về giá, và cũng là mức cao nhất hai năm qua.

Mặc dù thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung các doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Giá gạo cao nhất thế giới, kinh ngạch xuất khẩu tăng mạnh: Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa thể "gặt mùa vàng"?

Hụt hơi ngay trong quý đầu năm

CTCP Lộc Trời (UPCoM: LTG) - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tiếp tục mở rộng hoạt động. Công ty đã nhận các đơn hàng xuất khẩu lên tới 400.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023.

Tuy nhiên, quý đầu năm 2023, Lộc Trời báo lỗ gần 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lợi nhuận dương 184 tỷ đồng, hay quý cuối năm 2022 vẫn lãi gần 209 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn tới kết quả kinh doanh giảm sút do chi phí vốn và chi phí tài chính tăng mạnh.

Dù kinh doanh nhiều mảng, gạo vẫn là xương sống của doanh nghiệp này khi chiếm hơn 68% tổng doanh thu, tương đương hơn 1.675 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp.

Giá gạo cao nhất thế giới, vì sao doanh nghiệp vẫn chưa thể "gặt mùa vàng"?
Tình hình kinh doanh của Lộc Trời qua các quý.

Tuy lợi nhuận giảm sút, nhưng trên thị trường cổ phiếu LTG vẫn nằm trong kỳ vọng đầu tư. Tính từ đầu năm 2023 đến nay LTG đã tăng 23% từ vùng giá 23.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức 28.900 đồng/cổ phiếu như hiện nay, thậm chí có thời điểm thị giá LTG còn tăng khoảng 36% so với đầu năm.

Giá bán và kim ngạch xuất khẩu tăng ngoạn mục, vì sao doanh nghiệp gạo vẫn chưa thể "gặt mùa vàng"?

Từng được mệnh danh là “vua gạo" An Giang, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - HoSE: AGM) kinh doanh ngày càng sa sút. Quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 159 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các chi phí, Angimex báo lỗ sau thuế 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng. Công ty cho biết, nguyên nhân chính làm kết quả kinh doanh quý 1/2023 lỗ là do doanh thu giảm nhưng công ty gánh vác các khoản chi phí.

Chi phí ăn mòn lợi nhuận

Trong số 8 doanh nghiệp ngành gạo công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ có 3 doanh nghiệp tăng lãi, 3 doanh nghiệp lãi giảm và 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp gạo là biến động về tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao, thứ 2 là giá vốn cao do ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao, giá vốn nguyên liệu đầu vào tăng.

Giá gạo cao nhất thế giới, kinh ngạch xuất khẩu tăng mạnh: Doanh nghiệp vẫn chưa thể "gặt mùa vàng"?

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 với thông tin: doanh thu giảm 6%, còn lợi nhuận sau thuế giảm đến 69%, về mức 8,5 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, giá vốn tăng cao.

Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1 - UPCoM: BMV) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2 - UPCoM: VSF) cũng báo lãi quý 1 giảm sút.

Kỳ vọng kết quả khởi sắc trong quý 2/2023

Câu chuyện lợi nhuận doanh nghiệp đi ngược giá gạo xuất khẩu đã được ghi nhận từ năm ngoái. Nhóm phân tích VNDirect từng nêu thực trạng, hầu hết doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm trong năm 2022 do áp lực chi phí đầu vào như chi phí phân bón và giá thu mua lúa tăng.

Tuy nhiên triển vọng cho ngành này thời gian tới lại được nhiều đơn vị dự đoán khả quan. Báo cáo gần đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thời tiết thuận lợi tạo ra lợi thế cho ngành gạo trong nước so với các quốc gia Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ.

Dù khả năng xuất hiện El Nino (khiến nhiệt độ tăng cao, giảm lượng mưa), Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vẫn dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.

Chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm nay nhờ các động thái giảm căng thẳng của châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới tăng. Điều này cũng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nhận định cung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp trong quý 2/2023.