Báo cáo từ Bộ NN-MT cho thấy, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra.

giá sầu riêng tại các khu vực chính vẫn giữ ở mức cao,
Một loại quả tỷ đô của Việt Nam bất ngờ lao đao vì Trung Quốc, bộ Nông nghiệp và Môi trường họp khẩn.

Theo các số liệu ước tính, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 120-130 triệu USD, với khối lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn.

Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng, mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng 1/4 so với giá xuất khẩu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) vừa cho biết Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng.

Dù Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, song sầu riêng Việt Nam đang bị nghẽn dòng chảy xuất khẩu vì nhiều rào cản kỹ thuật và thể chế chưa hoàn thiện. Bộ NN-MT thẳng thắn chỉ ra các điểm nghẽn: quy trình kiểm dịch, cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống kiểm nghiệm đều chậm hơn nhiều so với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc.

Thực trạng thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và năng lực quản lý nhà nước chưa theo kịp tốc độ mở rộng vùng trồng đang khiến ngành hàng sầu riêng – vốn đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD năm 2023 – rơi vào thế bị động.

Trước tình hình đó, trên cơ sở các ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.

Về ngắn hạn, Bộ NN-MT sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.

Về dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và kiểm nghiệm, giám định…

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nội dung và chương trình để báo cáo các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho chuyến công tác sắp tới của đoàn Bộ sang Trung Quốc trao đổi về các chương trình hợp tác toàn diện trong lĩnh vực NN-MT.