Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Mặc dù vẫn còn 20 năm nữa để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này, nhưng chỉ có ít quốc gia đã chuyển đổi thành công từ quốc gia thu nhập trung bình trở thành quốc gia thu nhập cao nhanh như vậy. Do đó, tham vọng trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam được coi là mục tiêu vô cùng thách thức.

Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu như tập trung cải cách thể chế hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng xanh - Thông điệp mà WB gửi gắm trong hai báo cáo mang tên “Việt Nam 2045 - Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” và “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững”.

“Cú hích” giúp Việt Nam tiến tới thu nhập cao

Cụ thể, báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” nêu rõ, Việt Nam cần xây dựng các thể chế tạo thuận lợi cho thị trường vận hành hiệu quả hơn, hỗ trợ cạnh tranh và cải thiện hiệu suất của khu vực công, từ đó hướng với việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những quốc gia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đều nhờ liên tục nâng cấp chất lượng thể chế.

Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo vào sáng 22/5, bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia của Văn phòng WB khu vực Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào, nhận định: “Những nỗ lực cải cách gần đây thể hiện quyết tâm của Việt Nam, song để đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần một ‘cú hích thể chế’ mang tính đột phá, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm chất lượng cho người dân”.

Ngoài tăng trưởng GDP, Việt Nam cần gì để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045?
Sự kiện công bố báo cáo của World Bank (WB)

Những cải cách ưu tiên bao gồm: nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua cải thiện toàn diện từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý và các quy định đi kèm sẽ giúp tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, đồng thời củng cố trách nhiệm giải trình. Một bộ máy hành chính tinh gọn, với chế độ đãi ngộ cạnh tranh, quy trình pháp lý rõ ràng và giám sát độc lập, sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Cũng đánh giá vai trò quan trọng của tháo gỡ nút thắt thể chế để chinh phục mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045, ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) - cho rằng, vấn đề cải thiện thể chế tại Việt Nam đã được nêu ra từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa hiệu quả.

"Theo đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải cách thể chế trong thời gian tới và cải cách thể chế sẽ đem lại tương lai cho nền kinh tế Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Trường khẳng định.

Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững

Song song với cải cách thể chế, phát triển theo hướng xanh hóa nền kinh tế cũng là trụ cột chiến lược để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới thu nhập cao vào năm 2045.

Bên cạnh báo cáo trên, WB đồng thời cũng công bố báo cáo thứ hai với tiêu đề “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững”, nhấn mạnh đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro từ các cú sốc thời tiết đối với nông nghiệp, doanh nghiệp và hạ tầng sản xuất tại Việt Nam. Do đó, mô hình phát triển xanh đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam.

Theo tính toán của WB, trong kịch bản mực nước biển dâng từ 75cm đến 100cm, gần một nửa Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của Việt Nam, có thể bị ngập vào giữa thế kỷ này. Khảo sát năm 2024 của WB cho thấy khoảng 75% số doanh nghiệp dệt may và sản phẩm điện tử, hai ngành xuất khẩu chủ lực, nằm ở khu vực thường xuyên hứng chịu nhiệt độ cao, đe dọa sinh kế của 1,3 triệu lao động.

Như vậy, nếu Việt Nam không có hành động quyết liệt và có những chiến lược thích ứng kịp thời, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam đánh mất 12,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050. Điều này có thể làm lung lay và đe dọa nghiêm trọng đến mục tiêu hiện thực hóa tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

Ngoài tăng trưởng GDP, Việt Nam cần gì để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045?
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào

Luận bàn về vấn đề này, bà Sherman cho biết Việt Nam cần lồng ghép quản lý rủi ro khí hậu vào mọi lĩnh vực kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp và người dân hành động.

Về giải pháp, WB đề xuất cắt giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với khu vực tư nhân dẫn đầu chuyển đổi năng lượng, tận dụng công nghệ tái tạo giá rẻ hơn, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp.

Phát triển năng lượng tái tạo từ biển, đặc biệt là điện gió ngoài khơi cũng có tiềm năng to lớn trong việc góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Theo số liệu của WB, điện gió ngoài khơi của nước ta có công suất ước tính khoảng 475 gigawatt. Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng khả năng hấp thụ carbon, góp phần vào tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô cũng đóng một vai trò thiết yếu. Không chỉ làm tăng khả năng chống chịu của các vùng ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái này còn góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải, nhờ khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon tự nhiên.