Ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Tập đoàn SK (Hàn Quốc) nhằm thảo luận các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc, đại diện Tập đoàn SK đã chia sẻ kết quả hoạt động của Tổ công tác SK – đơn vị phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) trong việc thúc đẩy triển khai các dự án LNG quy mô lớn.
SK bày tỏ mong muốn được phát triển các trung tâm công nghiệp tích hợp tại Việt Nam. Cụ thể, tập đoàn đề xuất xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo ở Bắc Trung Bộ (liên kết với các dự án LNG Nghi Sơn – Quỳnh Lập); Trung tâm hydrogen, logistics và đổi mới sáng tạo tại Nam Trung Bộ (gắn với dự án LNG Cà Ná) và Trung tâm nông nghiệp thân thiện môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long (liên quan đến dự án LNG Cà Mau).
Tập đoàn Hàn Quốc cũng khẳng định mong muốn hợp tác phát triển các nhà máy điện khí LNG tại Việt Nam, đặc biệt tại Nghệ An và Thanh Hóa, đồng thời cam kết đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường.
![]() |
Tập đoàn SK muốn đầu tư vào dự án điện LNG tại Thanh Hoá. Ảnh minh hoạ |
Tại Nghệ An, SK hiện đang tham gia đấu thầu dự án điện khí LNG Quỳnh Lập với tổng vốn đầu tư lên tới 2,1 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Thanh Hóa, theo bản điều chỉnh Quy hoạch điện VIII mới công bố, địa phương này có một dự án điện khí LNG – Công Thanh dự kiến vận hành trong giai đoạn 2031–2035 và có thể đẩy sớm tiến độ lên 2026–2030 nếu cần thiết.
Dự án LNG Công Thanh vốn khởi đầu là nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, vào tháng 5/2024, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi từ than sang khí LNG.
Nếu được triển khai, nhà máy sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ khoảng 1,2–1,5 triệu tấn mỗi năm. Công suất nhà máy có thể tăng từ 600 MW lên 1.500MW, nâng sản lượng điện phát lên lưới từ 3,9 tỷ kWh lên khoảng 9 tỷ kWh mỗi năm.
Tổng vốn đầu tư theo đó cũng sẽ tăng từ 1,2 tỷ USD lên khoảng 2 tỷ USD. Đây được kỳ vọng là dự án góp phần giảm áp lực nguồn cung điện tại khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, LNG Thanh Hóa còn được xếp vào danh mục "các nhà máy nhiệt điện LNG dự phòng phát triển" với quy mô công suất 1.500MW, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2031-2035 nếu các nguồn điện khác chậm tiến độ hoặc phụ tải tăng đột biến.
Tập đoàn SK hiện là một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ hóa chất, năng lượng, viễn thông đến công nghiệp nặng. SK có giá trị vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, đứng thứ hai tại Hàn Quốc và nằm trong top 100 tập đoàn lớn nhất toàn cầu.
Tại Việt Nam, SK đã đầu tư vào các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Imexpharm, cùng dự án vật liệu phân hủy sinh học thân thiện môi trường Ecovance tại Hải Phòng. Hiện nay, SK tiếp tục mở rộng đầu tư vào năng lượng sạch (LNG, điện gió, điện mặt trời), hướng đến phát triển hydrogen xanh, y dược, logistics và công nghệ thông tin.