EU lên kế hoạch điều tra chống trợ cấp nhằm đảm bảo thỏa thuận thép với Mỹ

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang lên kế hoạch điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc và các quốc gia khác. Điều này như một phần của thỏa thuận với Hoa Kỳ nhằm chấm dứt thuế quan thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tờ Reuters đưa tin ngày 10/10.

Tờ Financial Times đưa tin rằng EU đã lên kế hoạch công bố các cuộc điều tra, ngay sau cuộc gặp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles vào ngày 20/10 tới đây.

EU lên kế hoạch điều tra chống trợ cấp nhằm đảm bảo thỏa thuận thép với Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen

Liên minh châu Âu cho biết dự kiến sẽ sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của mình để đánh giá tình hình thị trường thép. Theo tờ Reuters, một nhà ngoại giao EU cho biết điều này sẽ dẫn đến các cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu.

Phạm vi của thỏa thuận, bao gồm danh sách các nước khác có thể bị áp thuế thép cũng như mức thuế, vẫn đang được thảo luận. Mỹ và EU cũng kỳ vọng Thỏa thuận thép và nhôm toàn cầu (GSA) sẽ cung cấp một khuôn khổ để các nước khác như Anh và Nhật Bản tham gia trong tương lai. Hai vấn đề chính mà GSA tìm cách giải quyết là dư thừa công suất thép phi thị trường và lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp thép và nhôm.

Trước đó, Mỹ đề xuất với EU rằng cả hai bên sẽ áp thuế với các sản phẩm thép có lượng phát thải carbon cao trong quá trình sản xuất cũng như thép sản xuất tại các nước có công suất dư thừa.

Đồng thời, EU và Mỹ cũng sẽ ký một thỏa thuận chính trị để tạm dừng các tranh chấp của họ trong khi tiếp tục đàm phán phần thứ hai của GSA liên quan đến khử carbon trong hoạt động sản xuất thép và nhôm.

Thỏa thuận sẽ được thực hiện tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các chính sách khí hậu liên quan. Điều này đồng nghĩa EU không thể áp đặt thuế quan mà không điều tra các khoản trợ cấp bị cáo buộc và cam kết thực hiện đúng chính sách thuế carbon đã đặt ra.

Trong hai năm đàm phán vừa qua, EU đã từ chối sao chép quyết định của Mỹ sử dụng lý do an ninh quốc gia để áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm trên toàn cầu sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kết luận động thái này vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Nhưng EU đồng ý đánh thuế phù hợp với quy định của WTO nếu cuộc điều tra của khối này chứng minh rằng các khoản trợ cấp đối với ngành thép của Trung Quốc là không công bằng.

Theo đó, EU đã áp dụng mức thuế trừng phạt đối với 20 loại sản phẩm thép và thép không gỉ của Trung Quốc. Đồng thời đặt hạn ngạch nhập khẩu như một phần trong các biện pháp bảo vệ thị trường châu Âu cho đến giữa năm 2024.

Ủy ban Kinh tế của Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ năm 2015, sau khi nước này chiếm 25% lượng thép nhập khẩu của EU về khối lượng.

Tổng giám đốc Eurofer Axel Eggert cho biết các biện pháp thương mại truyền thống sẽ không giải quyết được vấn đề, đồng thời bổ sung thêm rằng công suất thép trong 3 năm tới dự kiến đạt 150 triệu tấn. Lượng phát thải CO2 hàng năm dự kiến tăng thêm vào năm 2026 sẽ nhiều hơn so toàn bộ ngành thép EU trước đó.

Công suất thép dư thừa là một vấn đề nổi cộm ở Trung Quốc, các nước châu Á, Trung Đông và Bắc Phi.