Sáng 27/5, người dân nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra tại quán lẩu kim chi - lẩu Thái, mì cay 7 cấp độ Hàn Quốc Seouly ở số nhà 203, đường Ngô Quyền, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Đây được cho là vụ nổ bình gas.

Vụ nổ xuất phát từ gian bếp của quán ăn khiến cửa kính tầng 1 của quán vỡ vụn, văng ra vỉa hè và lòng đường. Theo người dân địa phương, vào thời điểm này, trong quán không có khách, 2 nhân viên bị thương ở chân và tay. Trong đó có nhân viên bị sức ép của vụ nổ "xé toạc", thổi bay gần như toàn bộ chiếc áo đang mặc. Ngoài ra, có 3 người dân đi đường cũng bị thương do mảnh kính văng vào người.

Tuy không có thiệt hại nghiêm trọng về người nhưng sau khi thông tin được chia sẻ, nhiều người đã bày tỏ sự quan ngại và lo lắng về việc phòng chống cháy nổ tại quán. Nếu hôm nay vụ nổ xảy ra vào thời điểm quán đông khách thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều thiệt hại thương tâm.

Nổ lớn tại quán lẩu mì cay: Nhìn lại hành trình lớn nhanh của chuỗi lẩu Hàn Quốc

Nhiều vụ cháy nổ do bất cẩn, chủ quan

Thời gian gần đây, thời tiết đã vào mùa nắng nóng với hiện tượng thời tiết cực đoan, kèm theo đó nhu cầu sử dụng điện và các loại nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ,... tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Tình hình cháy nổ có nhiều diễn biến phức tạp. Trong tháng 4/2023, toàn quốc xảy ra 117 vụ cháy, làm chết 7 người, bị thương 12 người; thiệt hại tài sản ước tính 26,89 tỷ đồng và 19,8 ha rừng.

Mới đây, ngày 13/5 xảy ra vụ cháy làm bốn bà cháu thiệt mạng (số 24 phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông). Các tầng hai và ba có rào sắt chống trộm hàn kiên cố, gây khó khăn trong chữa cháy cũng như thoát hiểm. Thời điểm cháy, trong nhà có bốn bà cháu, vợ chồng chủ nhà đi vắng. Để tiếp cận phía trong, cảnh sát phải cắt bốn thanh kim loại chắn mặt tiền tầng hai.

Ở vùng ngoại thành cũng xảy ra rất nhiều tình trạng cháy nổ. Tuy rằng có một số vụ cháy không thiệt hại nhiều về người và tài sản nhưng theo số liệu thống kê thì tình hình cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ và thiệt hại về cháy nổ trong mùa nắng nóng.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống cháy nổ

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy và phòng cháy hiệu quả trong cao điểm hè 2023, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ.

Trong đó, xác định trọng tâm là tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn thứ 2 tại các khu tập thể, chung cư. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ,...

Nổ lớn tại quán lẩu mì cay: Nhìn lại hành trình lớn nhanh của chuỗi lẩu Hàn Quốc

Mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” đang được triển khai mạnh mẽ tại cơ sở. Mô hình được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm huy động nhanh nhất lực lượng trong dân để chớp “thời điểm vàng” 5-7 phút đầu khi xảy ra cháy. Qua đó củng cố và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy của lực lượng cơ sở. Trên thực tế, nhiều vụ cháy đã được lực lượng chữa cháy cơ sở xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại.

Trước thực trạng trên, Đại tướng Tô Lâm cũng yêu cầu Công an các địa phương tăng cường tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; có chế độ, chính sách động viên cán bộ, chiến sĩ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt hiện nay.

Đồng thời, đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở theo quy định của pháp luật; làm tốt công tác tự kiểm tra về phòng cháy chữa cháy; khắc phục ngay các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ mất an toàn, góp phần đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Xây dựng, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và định kỳ tổ chức tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định (thực tập phương án chữa cháy tối thiểu 01 năm/lần, thực tập phương án cứu nạn cứu hộ tối thiếu 2 năm/lần).

Cần động viên và có chế độ chính sách khuyến khích kịp thời cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát giao thông phát huy tinh thần "Vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ".

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung phong phú, hình thức đa dạng đến người dân về nguy cơ xảy cháy tại cơ sở, hộ gia đình, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống đuối nước, nhất là đối với các em học sinh.