Miễn học phí nhưng phụ huynh vẫn 'gánh' phí kỹ năng, đồng phục, bán trú…
Tại buổi thảo luận tổ chiều 22/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, hàng loạt đại biểu đã thẳng thắn cảnh báo nguy cơ “miễn một khoản, tăng nhiều khoản khác”. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng thu các loại phụ phí trong trường học, chính sách tưởng như nhân văn này có thể mất đi ý nghĩa thực chất.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nêu thực trạng: Nhiều trường công lập, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, đang thu rất nhiều khoản phí bên ngoài học phí chính thức – từ tiền đồng phục, học kỹ năng mềm, dạy thêm, tiền nước uống, vệ sinh…
“Làm sao để hạn chế tối đa những khoản thu phát sinh này?”, ông đặt vấn đề, đồng thời kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có biện pháp ngăn ngừa lạm thu trá hình.
![]() |
Đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu gói hỗ trợ toàn diện bao gồm học phí và một phần chi phí học tập như sách giáo khoa, thiết bị học tập thiết yếu với học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn. |
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) thẳng thắn: “Miễn học phí không có nghĩa là học sinh được học miễn phí hoàn toàn nếu nhà trường vẫn thu thêm hàng loạt khoản khác.” Bà cảnh báo, nếu không thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, chính sách miễn học phí có thể bị “loãng" về hiệu quả, thậm chí khiến người dân hiểu lầm hoặc thất vọng.
Theo bà Minh Trang, để chính sách phát huy tác dụng, ban soạn thảo Nghị quyết cần quy định rõ ràng trách nhiệm kiểm soát và giám sát các khoản thu ngoài học phí. Vai trò của phụ huynh, Hội đồng nhân dân các cấp cần được thể chế hóa. Đặc biệt, cần nghiên cứu gói hỗ trợ toàn diện không chỉ bao gồm học phí mà còn hỗ trợ sách giáo khoa, thiết bị học tập cho học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu vùng xa.
“Chính sách không thể ban phát trên giấy. Nếu trường học xuống cấp, giáo viên thiếu, thì dù miễn học phí, học sinh cũng không được hưởng chất lượng giáo dục xứng đáng,” bà nói.
Bày tỏ băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng: Chính sách miễn học phí ở khối trường công có thể khiến học sinh từ khối trường tư chuyển sang công lập, gây áp lực quá tải. Trong khi đó, hệ thống trường công ở nhiều nơi hiện đã quá tải cả về cơ sở vật chất và biên chế giáo viên.
“Tôi đề nghị cần song song xây dựng kế hoạch đầu tư trường lớp, đào tạo giáo viên, phân luồng học sinh hiệu quả. Không thể để miễn học phí dẫn đến tình trạng quá tải trường công”, bà Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà cũng chỉ ra khoảng trống chính sách trong dự thảo nghị quyết, khi chưa nêu rõ cách thực hiện miễn học phí với các loại hình đặc thù như trường công lập chất lượng cao, trường thực hành, trường năng khiếu – nơi học sinh thường phải đóng mức phí cao hơn thông thường.
Sẽ trình đề án chi tiết, hỗ trợ theo hình thức cấp trực tiếp
Làm rõ loạt băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ sẽ xây dựng đề án triển khai một cách bài bản, công phu, bảo đảm khả thi và sát thực tế, không để chính sách chỉ dừng lại trên giấy.
![]() |
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, sẽ xây dựng đề án chi tiết và có sự thẩm định công phu để triển khai các nghị quyết của Quốc hội. |
Về cơ chế hỗ trợ học phí, Bộ trưởng cho biết, sẽ giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố xác định mức hỗ trợ cụ thể, bảo đảm công bằng với khối công lập. Đáng chú ý, hình thức hỗ trợ được thiết kế cấp trực tiếp cho người học, không qua trung gian trường lớp.
“Đây là phương án phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số, giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả, tránh tình trạng thất thoát hoặc lạm dụng chính sách,” ông Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến lo ngại về việc lạm thu phụ phí trong trường học, đặc biệt là các khoản liên quan đến dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Sơn nêu rõ: Hoạt động dạy thêm trong nhà trường chỉ được phép áp dụng với ba nhóm đối tượng cụ thể gồm: học sinh yếu cần phụ đạo, học sinh giỏi cần bồi dưỡng và học sinh ôn thi tốt nghiệp.
Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, nhà trường không được phép thu phí dạy thêm đối với các nhóm đối tượng này.
“Về nguyên tắc, đây là trách nhiệm chuyên môn của nhà trường, không phải là cơ sở để tận thu từ phụ huynh,” ông Sơn nói.
Trước lo ngại việc miễn học phí ở trường công sẽ tạo ra làn sóng học sinh ồ ạt rút khỏi trường tư, gây quá tải hệ thống công lập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích, hiện nay tỷ lệ trường công lập vẫn chiếm ưu thế áp đảo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, áp lực tuyển sinh vào trường tư ở Hà Nội cũng không hề nhẹ nhàng hơn trường công, cho thấy nhu cầu và sự tin tưởng của phụ huynh đối với khu vực ngoài công lập ngày càng rõ nét.
“Không nên quá lo lắng về việc học sinh sẽ ồ ạt chuyển từ trường tư sang trường công,” ông Sơn nói. Theo ông, nhiều trường tư tại Hà Nội đã khẳng định được vị trí, thương hiệu riêng, tạo dựng được giá trị khác biệt và có đối tượng học sinh ổn định.
“Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy lo lắng này không phải là vấn đề lớn, hệ thống vẫn đang vận hành cân bằng,” Bộ trưởng kết luận, đồng thời cho rằng cần nhìn nhận chính sách một cách tổng thể, thay vì chỉ tập trung vào các phản ứng ngắn hạn.